(Xây dựng) - Theo đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cần có cuộc chơi sòng phẳng công bằng. Nếu đã có danh sách đen nhà thầu xây dựng yếu năng lực thì cũng phải “bêu tên” chủ đầu tư chây ỳ nợ của nhà thầu xây dựng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). |
Nhà thầu xây dựng bị nợ hàng nghìn tỷ đồng
Hội thảo “Nợ đọng xây dựng – Kiên nghị giải pháp”, do Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phối hợp với VCCI tổ chức vào ngày 18/8 tới sẽ bàn về các vướng mắc liên quan đến thủ tục, thanh toán, quyết toán, tranh chấp hợp đồng, giải quyết công nợ.
Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: Nợ đọng không thanh toán đang khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng với số dư từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng.
Thậm chí, theo VACC, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được. Trong khi đó, nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác. Nhiều nhà thầu đang bị nợ gấp mấy lần vốn chủ sở hữu, có những doanh nghiệp bị nợ đến vài nghìn tỷ đồng. Theo ông Hiệp, tình trạng nợ đọng lớn diễn ra cả ở các gói thầu vốn đầu tư công lẫn công trình vốn ngoài ngân sách.
"Trong khi đó, nguồn vốn của doanh nghiệp nhà thầu xây dựng lại eo hẹp, phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm. Có những tập đoàn một quý đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng", ông Hiệp nêu.
Nợ đọng công trình đầu tư công chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, còn có nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách do một số chủ đầu tư chây ỳ cố tình không thanh quyết toán, đặc biệt ở mức 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.
Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền về thi công. Nợ gấp đôi vốn hiện có, mà lãi suất đi vay thì 9-10% thì đang lãi thành lỗ. Rồi lại phải nợ, lấy nợ để trả nợ.
Với dự án tư nhân, chủ đầu tư vì năng lực kém, không có tiền, không có tài sản đảm bảo, không bán được hàng, không huy động được vốn, không kiếm được tiền để thanh toán cho nhà thầu.
Chủ đầu tư chây ỳ không có tiền đã đành, nhưng có chủ đầu tư bán hết nhà, thu tiền của người mua nhà rồi vẫn không chịu trả. Nhà thầu nhận lại bằng sản phẩm. Bên cạnh đó, tâm lý nhà thầu, không muốn thưa kiện, tranh tụng, đánh nhau cũng không lấy lại tiền, lại phải nhũn nhặn thương lượng lấy được bao nhiêu thì lấy.
Nhà thầu vẫn phải làm công trình, đảm bảo tiến độ, vay ngân hàng, không trả được bị siết nợ và lãi vay.
Với các dự án đầu tư công, ông Hiệp cho biết, nợ đọng chủ yếu là do thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, đặc biệt các công trình có khối lượng phát sinh. Nhiều công trình đầu tư công có nợ đọng rất lớn. Có những công trình giao thông và thủy điện, chủ đầu tư nợ từ 5-10 năm, lãnh đạo nhà thầu về hưu rồi vẫn tiếp tục đi đòi.
Rà soát nợ và công bố “danh sách đen” chủ đầu tư chây ỳ trả nợ
Vị Chủ tịch VACC đề xuất biện pháp, các địa phương phải công bố danh sách chủ đầu tư không nghiêm túc, chây ỳ và nợ đọng sẽ không cho đầu tư tiếp. Đòn bẩy tâm lý rất quan trọng, dù chưa phải xử lý, xử phạt nhưng tâm lý và mất uy tín khiến các chủ đầu tư phải khắc phục hoàn trả nợ để tìm cơ hội làm dự án mới.
Các dự án bên ngoài ngân sách, VACC đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với các chủ đầu tư về cơ chế của phần 20% nghiệm thu công trình cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán. Về cơ chế thanh toán và cơ chế hợp đồng, hiện nay cơ chế thực hiện tạm ứng 15-20% thấp quá. Cần tiến dần theo thông lệ cơ chế thanh toán quốc tế.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao quá, trong khi cơ chế hợp đồng chậm quá mà cơ chế đơn giá không điều chỉnh. Đó chính là cơ chế nguyên nhân khiến nhà thầu mang công mắc nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ thêm, kinh nghiệm tháo gỡ nợ đọng, kinh nghiệm tranh chấp nợ đọng cũng được đưa ra phân tích tại Hội thảo. Tranh chấp đòi nợ dù nhà thầu có đưa ra tòa cũng không ai giải quyết. Ông phải trả tiền luôn muốn giữ tiền. Ông được thanh toán luôn luôn bị chậm. Tình trạng này xảy ra lâu năm, trở thành căn bệnh trầm kha không có thuốc chữa.
“Thực tế, ngân sách Nhà nước không thiếu tiền, tiêu không hết nhưng lại có chuyện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, phụ trách kế hoạch và tài chính phải rà soát để có biện pháp xử lý dứt điểm, giải quyết tồn đọng còn tắc lại” – ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị thêm.
Ninh Nhi
Theo