Thứ bảy 27/04/2024 00:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

21:07 | 12/10/2021

(Xây dựng) - Sáng 12/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận.

uy ban thuong vu quoc hoi cho y kien ve ket qua thuc hien ke hoach phat trien kinh te xa hoi ngan sach nha nuoc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 4.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao (khoảng 4%). Thu ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP)…

Bên cạnh các kết quả đạt được, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, là tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ….

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3 - 3,5% tuỳ thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.

uy ban thuong vu quoc hoi cho y kien ve ket qua thuc hien ke hoach phat trien kinh te xa hoi ngan sach nha nuoc
uy ban thuong vu quoc hoi cho y kien ve ket qua thuc hien ke hoach phat trien kinh te xa hoi ngan sach nha nuoc
Các đại biểu phát biểu ý kiến góp ý tại phiên họp.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết với mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%…

Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không được tiến hành theo đúng kế hoạch. Năng lực y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề cần sớm triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc chuẩn bị các nội dung.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội ủy thác theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác 24/7. Tổ công tác không thụ động, phụ thuộc mà nghiên cứu từ trước từ sớm từ xa, chủ động đề xuất cả những vấn đề Chính phủ không đề xuất và tạo được sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm những kết quả và điểm chưa được để có báo cáo Quốc hội.

Lưu ý các nội dung thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá theo từng khu vực, lĩnh vực để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung mà Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã đề cập. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng đứt gãy và phụ thuộc vào thị trường quốc tế, logistic, vận tải hàng hóa, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. GDP khu vực công nghiệp xây dựng này trong quý III giảm 5,02%, đưa mức tăng 9 tháng chỉ còn 3,57%. Ngoài ra, ngành Dệt may da giày tăng xuất khẩu chậm, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, mất đơn hàng khách hàng đã và đang diễn ra. Khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất và để phục hồi lại là không đơn giản.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp.

uy ban thuong vu quoc hoi cho y kien ve ket qua thuc hien ke hoach phat trien kinh te xa hoi ngan sach nha nuoc
Toàn cảnh phiên họp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tập trung vào các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách vĩ mô khác, gắn với cải cách thủ tục hành chính,chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và thống nhất các báo cáo sau khi tiếp thu hoàn chỉnh có đủ điều kiện trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và ngân sách Nhà nước.

Đối với kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương năm 2021 của Bộ, cơ quan Trung ương theo số liệu như Tờ trình của Chính phủ; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành…

Thảo Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load