Thứ bảy 27/07/2024 06:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội

14:22 | 14/05/2024

(Xây dựng) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội
Trong thời gian tới, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

“Lách luật” để mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Về thị trường bất động sản, trong báo cáo, Chính phủ cho biết thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, theo báo cáo, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.

Theo đó, đến nay mới có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 71 dự án. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó 12 dự án có nhu cầu giải ngân với số tiền là 956 tỷ đồng bao gồm: 947 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 8 dự án; 9 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

"Trong thời gian tới, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội", báo cáo nhấn mạnh

Trình bày báo cáo thẩm tra, đánh giá về thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thị trường có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.

Nguồn lực xã hội “chôn” vào đất

Cụ thể, theo cơ quan thẩm tra, hệ lụy thấy rõ là người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh, không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ;

Hệ lụy khác là, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;

“Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng”, ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024.

Từ phân tích trên, theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…

Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thống kê đến hết quý I/2024, cả nước mới có 13 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Trong số đó, mới chỉ có 5 dự án hoàn thành với quy mô 2.016 căn.

Tiến độ này cho thấy, mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được. Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy quỹ nhà ở này ngày từ đầu năm 2024.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, năm 2024 sẽ có nhiều luật mới được đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực. Thực tế hiện nay thị trường đang rất thiếu phân khúc về nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp. Với Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực thi hành sẽ cơ bản giải quyết vấn đề này và tạo ra nguồn cung lớn.

Cộng với đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng sẽ giúp tạo ra nguồn cung nhà giá rẻ và giải quyết được vấn đề về giá trên thị trường – ông Hải phân tích. Thêm vào đó, có nhiều yếu tố trợ lực để phát triển nhà ở xã hội nhưng vân cần quyết liệt hơn nữa thì mới đạt mục tiêu đề ra.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load