Ngành công nghiệp xây dựng phát triển đòi hỏi theo đó là sự ứng dụng nhanh chóng của khoa học công nghệ xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thi công cũng như đảm bảo chất lượng công trình.
Để góp phần cho ngành công nghệ xây dựng ngày một phát triển, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn TOPCON (Nhật Bản) đã giới thiệu công nghệ GPS là những công nghệ được áp dụng trong các dự án lớn và chiến lược, đặc biệt là những công trình xây dựng yêu cầu độ chính xác và an toàn cao.
Từ ý tưởng ban đầu sử dụng cho mục đích quân sự của Bộ Quốc Phòng Mỹ, hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System) đã trở thành một ngành công nghiệp dân dụng phát triển mạnh mẽ và có ứng dụng trong rất nhiều ngành khác nhau, không chỉ sử dụng cho các hoạt động điều khiển, xác định lộ trình của máy bay, tàu hỏa, ô tô...mà công nghệ này còn được các kỹ sư địa chất, xây dựng sử dụng trong công tác đo đạc bản đồ, san lấp mặt bằng cho máy công trình và máy xây dựng.
Được biết công nghệ GPS dùng để san lấp mặt bằng, làm đường cao tốc, trải nhựa đường tại nhiều nơi ở Nhật Bản, Singapore, Mỹ đều cho kết quả rất khả quan: Giảm thời gian thi công đến 40%, giảm chi phí nguyên vật liệu, thực hiện được ở các địa hình phức tạp với sai số không đáng kể, nền đường phẳng hơn rất nhiều so với việc sử dụng bằng các máy công trình thông thường, giảm sức lao động cho người lái máy, an toàn hơn cho người lao động. Đặc biệt, công nghệ này có thể phù hợp với hầu hết các loại máy xây dựng, máy công trình đang được vận hành và sử dụng tại Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Anh Dũng, trưởng nhóm tư vấn và nghiên cứu của Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng phổ biến các thiết bị thu GPS ở cả 3 cấp độ trong quy trình quản lý bản đồ, khảo sát thiết kế các công trình xây dựng. Tuy nhỉên, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và định hướng của Chính phủ trong việc nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, công nghệ GPS sẽ ngày càng phát triển và có rất nhiều tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam nói chung và trong ngành giao thông và xây dựng nói riêng.
Với công nghệ điều khiển và công nghệ định vị GPS được áp dụng trong các dự án, công trình yêu cầu độ chính xác và an toàn cao. Hệ thống điều khiển máy tự động có thể tối ưu hóa chất lượng và hiệu quả công việc thông qua dữ liệu 3D. Điều này giúp quản lý, kiểm tra các công đoạn đã hoàn thành mà không để xảy ra sai sót do con người, tăng độ chính xác, giảm thời gian tính toán cũng như kiểm tra; thi công không cần đến cột mốc và dây rọi, giảm thời gian và tăng năng suất thi công. Đồng thời không cần người lái máy có thể tự động làm việc theo quy trình đã được cài đặt trước.
Hiện tại, công nghệ GPS được TPHCM triển khai ứng dụng trong việc quản lý các tuyến xe buýt, còn trong lĩnh vực vực khảo sát, thi công các công trình giao thông và xây dựng thì công nghệ này vừa qua mới được đưa vào giới thiệu.
Hồng Nhung
Theo baoxaydung.com.vn