Thứ ba 05/11/2024 00:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Ứng dụng bê tông EPS trong các công trình xây dựng

11:22 | 21/08/2023

(Xây dựng) - Bê tông EPS là vật liệu không nung đang được nghiên cứu, có tính ứng dụng cao trong các công trình tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Ứng dụng bê tông EPS trong các công trình xây dựng
Bê tông sử dụng cốt liệu nhẹ là hạt polystyrene hình cầu.

Tiềm năng thay thế vật liệu truyền thống

Theo các nghiên cứu, nhiều loại rác thải xốp thuộc loại khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Rác thải xốp khi thải ra môi trường nước hoặc đất có thể khiến cho biến đổi tính chất của đất, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, theo thời gian đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều loại vi khuẩn không ngừng phát triển, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Việc nghiên cứu sử dụng loại rác thải xốp này trong chế tạo bê tông EPS vừa làm giảm giá thành do giảm lượng dùng hạt EPS nguyên sinh, đồng thời vừa góp phần giảm lượng rác thải xốp thải ra môi trường, điều này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn.

Theo đó, bê tông EPS được làm từ hỗn hợp các loại vật liệu khác nhau như xi măng, phụ gia khoáng, cốt liệu nhẹ Polystyrene (hạt EPS - Expanded Polystyrene Beads), nước và một số loại phụ gia hóa học khác.

Ứng dụng bê tông EPS trong các công trình xây dựng
Loại bê tông EPS sử dụng cốt liệu nhẹ với nguyên liệu là các hạt xốp hình dạng không xác định được xay từ các tấm xốp polystyrene phế thải.

Về phân loại, bê tông EPS được chia làm hai loại. Loại thứ nhất sử dụng cốt liệu nhẹ là các hạt polystyrene có thể thu được nhờ phồng nở các hạt nguyên liệu, khi đó sẽ có các hạt cốt liệu nhẹ polystyrene hình cầu. Loại thứ hai sử dụng cốt liệu nhẹ với nguyên liệu là các hạt xốp hình dạng không xác định được xay từ các tấm xốp polystyrene phế thải.

Loại bê tông này được sản xuất theo một quy trình công nghệ cao và đang trở thành loại vật liệu có tiềm năng thay thế cho các vật liệu truyền thống. Theo ý kiến của các chuyên gia, loại bê tông EPS thứ nhất thông dụng và được sử dụng tại nhiều công trình lớn hơn loại còn lại.

Phát triển vật liệu xây dựng không nung, thân thiện với môi trường

Theo ý kiến của chuyên gia tại Viện Chuyên ngành bê tông - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST), bê tông EPS có ưu điểm như độ bền cao, trọng lượng nhẹ, thi công lắp đặt nhanh chóng và dễ dàng.

Loại bê tông EPS với cốt liệu nhẹ là hạt xốp, không gây ô nhiễm môi trường, giúp tiết kiệm chi phí làm móng, trụ, dầm. Tính năng kỹ thuật đặc biệt của loại bê tông này là khối lượng thể tích nhẹ làm giảm yêu cầu chịu lực của kết cấu.

Hơn nữa vì là vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường nên việc thúc đẩy phát triển loại bê tông này phù hợp với Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.

Trong thực tiễn, bê tông EPS được sử dụng làm vật liệu xây dựng là gạch bê tông EPS. Cùng với đó, tấm bê tông EPS (tấm panel EPS) được chế tạo bằng hai loại công nghệ khác nhau bao gồm một loại với cấu tạo là hai lớp ngoài là tấm Cemboard (tăng cường chịu lực) có thể chịu nước, bề mặt nhẵn, ở giữa là hỗn hợp bê tông EPS. Một loại với kết cấu gồm có lưới thép ở giữa và bê tông EPS bên ngoài để đúc thành tấm panel EPS cốt thép với khả năng linh hoạt cao hơn loại còn lại.

Các loại tấm panel EPS này được sử dụng và ứng dụng trong các công trình để làm tấm lót sàn, vách ngăn, trần, trang trí nội/ngoại thất, có thể thay thế cho vật liệu truyền thống.

Qua các nghiên cứu, ứng dụng tấm bê tông EPS với khối lượng thể tích khoảng 1.200 – 1.800 kg/m3 để lót sàn cho kết quả về khả năng chịu lực, chịu tải tương đương với sàn bê tông thông thường.

Cùng với đó, nghiên cứu chỉ ra rằng ứng dụng tấm bê tông EPS với khối lượng thể tích là 700-800kg/m3 để làm vách ngăn, tường cho công trình thì khả năng chịu lực uốn và lực nén tốt hơn so với các vật liệu truyền thống. Về giá thành, bê tông EPS kết cấu có giá thành chỉ tương đương 60% so với bê tông keramzit có cùng khối lượng thể tích.

Khi so sánh với bê tông nặng thương phẩm, giá thành bê tông EPS kết cấu còn cao. Tuy nhiên, khi xét hiệu quả kinh tế của việc sử dụng bê tông EPS kết cấu cần xem xét hiệu quả tổng thể dựa vào các tính năng kỹ thuật đặc biệt của loại bê tông này là khối lượng thể tích nhẹ, khả năng cách âm, cách nhiệt cao... Chuyên gia cũng lưu ý về tính hút nước thấp của loại bê tông EPS này, cần được nghiên cứu thêm để khắc phục trong thực tiễn.

Giải pháp bê tông EPS Neotech

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh Trần Tùng Dương - Công ty Neotech cho biết: Neotech hiện đang mang 02 công nghệ vật liệu xây nhẹ với tính năng cao, không ngấm nước và có thiết kế kết nối ngàm AB giúp bức tường hoàn thiện được chống thấm tuyệt đối, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như ở Việt Nam. Công ty nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các công nghệ vật liệu xây không nung có tính bền vững và thân thiện với môi trường.

Chuỗi sản phẩm của Công ty Neotech đang giới thiệu giải pháp thi công bao gồm: Gạch bê tông hạt EPS, gạch bê tông bọt xốp (không có hạt nhựa), block xây/tấm block/Panel sàn, mái từ vật liệu bê tông nhẹ đã hợp quy cho một số dự án tại Lâm Đồng, Khánh Hòa, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh…

Ứng dụng bê tông EPS trong các công trình xây dựng
Bằng nguyên liệu phổ thông và đầu tư không lớn, dây chuyền sản xuất của công ty Neotech đã đúc nên những tấm tường, tấm sàn, tấm mái hoàn chỉnh với chi phí hợp lý và có thể tổ chức sản xuất ngay tại chân công trình với nguồn nguyên liệu luôn sẵn có.

Trong những năm gần đây, các vật liệu xây dựng phổ biến nhằm thay thế gạch đất nung vẫn không đáp ứng được nhu cầu do nặng, thấm, nứt, kém bảo ôn và chi phí cao. Tuy nhiên, các loại gạch của Neotech bao gồm loại gạch không nung từ bê tông nhẹ (bê tông EPS và bê tông bọt xốp) đã khắc phục hoàn toàn các vấn đề trên.

Giải pháp của Neotech giúp thay đổi thói quen xây dựng để đạt hiệu quả cao hơn về chi phí và thời gian cho chủ đầu tư, bảo vệ môi trường và mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người tiêu dùng, đáp ứng theo yêu cầu của Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Chia sẻ về lý do chọn phát triển sản phẩm bê tông hạt EPS và bê tông bọt xốp (không có hạt nhựa), anh Dương cho biết: Loại vật liệu này có nhiều ưu điểm như cách nhiệt, cách âm, không thấm và rạn nứt, chống cháy; chi phí xây bức tường giảm rất nhiều, thấp hơn mức 400.000 đồng/m2 cho bức tường hoàn thiện.

Trong khi đó, bức tường mang lại những hiệu quả vượt trội so với tường đôi của vật liệu xây truyền thống như việc giảm công đoạn thi công; nhẹ hơn so với vật liệu thông thường, giảm chi phí kết cấu và móng; giảm nhân công…

Khi ứng dụng loại vật liệu này trong các công trình lớn, bức tường bê tông EPS khi xây hoàn thiện không cần tô mà sẵn sàng cho việc sơn bả. Tấm mái dùng bê tông EPS sẽ cách nhiệt và giải quyết triệt để vấn đề rạn nứt và thấm với giá thành rẻ hơn, xây nhanh hơn. Một ưu điểm nữa là giải pháp của Neotech hoàn toàn sử dụng vật liệu trong nước sẵn có (sản xuất mọi nơi tại Việt Nam) và thân thiện môi trường.

Với thực tiễn nghiên cứu và ứng dụng của anh Dương từ hơn 8 năm trước trong ngành Vật liệu xây dựng, Công ty Neotech luôn hướng tới những giải pháp xanh cho các công trình, không ngừng ứng dụng các loại vật liệu không nung công nghệ cao, kỹ thuật mới giúp hoàn thiện công trình với chất lượng rất cao và đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật đặt ra.

Ứng dụng bê tông EPS trong các công trình xây dựng
Công ty TNHH Neotech sản xuất, cung cấp gạch và tấm bê tông EPS để xây dựng dự án nghỉ dưỡng biển cao cấp 800ha tại Khánh Hòa.

Nhằm phát triển bê tông EPS nói riêng và vật liệu xây dựng không nung, thân thiện với môi trường nói chung, Neotech rất cần sự phối hợp của các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu… Bên cạnh đó, quan trọng nhất là sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước trong việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu, biên soạn và ban hành các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load