Thứ tư 15/01/2025 13:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch (2011 - 2016):

Tỷ lệ thất thoát nước giảm 7%

14:38 | 15/12/2016

(Xây dựng) - Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2011 - 2016 đạt kết quả khả quan, giảm tỷ lệ thất thoát trung bình cả nước từ 30% trong năm 2009 xuống còn 23,5 - 24% năm 2016, nhiều đơn vị cấp nước đạt kết quả chống thất thu, thất thoát vượt trội.

Điển hình tiêu biểu

Triển khai Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2011 - 2016 tầm nhìn đến năm 2025, đơn vị cấp nước các tỉnh đã chủ động xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, với các giải pháp cụ thể: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đặc biệt là các bộ phận quản lý, đào tạo và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, các giải pháp kỹ thuật về phân vùng, tách mạng, trang bị phần mềm, thiết bị quản lý về đầu tư, thay thế cải tạo mạng lưới đường ống, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng…

Một số đơn vị cấp nước đã quyết tâm cũng như tập trung các nguồn lực cho các hoạt động, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch đã đạt được kết quả đáng khích lệ như đơn vị cấp nước các tỉnh, TP: Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, TT-Huế.

Tại TP.HCM, dự án chống thất thoát, thất thu nước khu vực I của TP.HCM do WB tài trợ kết thúc vào tháng 6/2013, giúp tăng sản lượng ghi thu thêm 90 nghìn m3/ngđ cho khu vực I. Với hiệu quả triển khai giảm thất thoát tại khu vực I của TP.HCM, TCty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã tập trung các nguồn lực triển khai các hoạt động từ phân vùng tách mạng, kiểm soát áp lực nước, đầu tư cải tạo, thay thế mạng đường ống cũ, rò rỉ, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều khiển hệ thống cấp nước… Tỷ lệ thất thoát, thất thu của TP.HCM năm 2012 là 36,5%, đến nay đã giảm còn 28% (giảm trên 8%).

Tại Đà Nẵng, sau khi triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hà Lan, Cty Cấp nước Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động giảm thất thoát nước như dò tìm và thay thế các tuyến ống có tỷ lệ vỡ cao, tách mạng và lắp các thiết bị giám sát lưu lượng, áp lực, đào tạo công nhân vận hành, trang bị các thiết bị dò tìm rò rỉ. Hiệu quả giảm thất thoát của Cty đạt kết quả cao, tỷ lệ thất thoát thất thu từ 40% trước khi có dự án xuống còn 19% (giảm 21%).

Bên cạnh đó, còn một số đơn vị cấp nước tiên phong khác có kết quả chống thất thoát, thất thu nước sạch vượt chỉ tiều đề ra như: TT-Huế đạt 13%, Bình Dương đạt 9%, BR-VT 9%, Hải Phòng đạt 13,7%, Hải Dương đạt 13%.

Xã hội hóa cấp nước

Bên cạnh các giải pháp chủ yếu về kỹ thuật, các đơn vị cũng chủ động triển khai tốt hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng có ý thức tiết kiệm nước sạch, bảo vệ nguồn nước: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi về bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, các khóa học ngoại khóa cho học sinh các cấp…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với chính sách xã hội hóa ngành cấp nước, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng các hệ thống cấp. Nhiều Cty cấp nước đã sử dụng vốn tự có, vốn vay để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đạt hiệu quả như Cty Cấp nước TT-Huế, Cty Cấp nước Vũng Tàu, Cty Cấp thoát nước Bình Dương, Cty Cấp nước Hải Dương…

Tại một số đô thị đã xuất hiện một số dự án đầu tư kinh doanh nước sạch do các DNNN và DN khu vực kinh tế tư nhân đầu tư, chủ yếu là đầu tư vào công đoạn sản xuất nước sạch như: Tại Hà Nội có dự án đầu tư Nhà máy nước Sông Đà do Vinaconex đầu tư với công suất 300 nghìn m3/ngđ, tại TP.HCM có 4 nhà máy Kênh Đông, Tân Hiệp I, II và Thủ Đức III với tổng công suất 1,1 triệu m3/ngđ, tại Bình Dương có nhà máy nước Dĩ An giai đoạn 2 với công suất 50 nghìn m3/ngđ, tại BR-VT có nhà máy nước Phú Mỹ công suất 50 nghìn m3/ngđ.

Ngoài ra, ở các đô thị khác đã có một số dự án cấp nước do nhà đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư với quy mô và công suất nhỏ, nhưng hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận nhờ chất lượng và khả năng vận hành như hệ thống cấp nước Cần Giuộc (Long An).

Hiện cơ quan quản lý nhà nước và DN vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới chống thất thoát, thất thu nước sạch. Kỳ vọng, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch sẽ giảm hơn nữa trong giai đoạn tới.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load