(Xây dựng) - Quý II/2023, LP Bank ghi nhận số dư nợ xấu tăng 64,8% lên 5.647,1 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trước đó, theo trong đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4 năm nay, lãnh đạo LP Bank cho biết trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng, chủ đạo là cho vay nông nghiệp nông thôn, dư nợ bất động sản chỉ chiếm 15% tổng dư nợ.
Quý II/2023, LPBank ghi nhận lãi giảm tới 51% so với cùng kỳ năm trước. |
Lãi quý II giảm tới 51% so với cùng kỳ năm trước
Trong quý II/2023, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank; HoSE: LPB) đã ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.450 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 18% xuống còn hơn 249,3 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 64% so với cùng kỳ năm trước, từ 52,3 tỷ xuống còn gần 19 tỷ đồng. Quý II/2023, LPBank cũng ghi nhận lỗ gần 4,5 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lãi tới hơn 356,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý II, lãi thuần từ hoạt động khác của nhà băng này tăng gấp 7 lần, đạt hơn 110 tỷ đồng. LPBank ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh lên tới 30,2 tỷ trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản mục này.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 10,2%, từ 1.342 tỷ lên gần 1.480 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 17,5%, còn hơn 525,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trong quý II/2023, LPBank báo lãi ròng 708,2 tỷ đồng, giảm gần 50% so với quý II/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.224 tỷ đồng, giảm 12% so với 6 tháng đầu năm trước. Lãi ròng của LPBank cũng sụt giảm mạnh và chỉ đạt 1.951 tỷ đồng, giảm 32% so với nửa đầu năm 2022. So với mục tiêu lãi trước thuế là 6.000 tỷ đồng trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại LPBank đã thực hiện hơn 40% lợi nhuận năm.
Theo giải trình lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của LPBank, ngân hàng cho biết, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, LPBank triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay và giảm chi phí, lệ phí cho khách hàng. Trong bối cảnh lãi suất huy động đầu vào tăng cao nên ảnh hưởng đến một phần biên lãi ròng (NIM) khiến thu nhập lãi trong quý này giảm so với cùng kỳ.
Tỷ lệ nợ xấu tăng lên
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng LPBank đạt hơn 350.200 tỷ đồng, tăng khoảng 6,86% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, cho vay khách hàng tăng lên 248.954 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,9%.
Phân tích chất lượng nợ cho vay trong báo cáo tài chính quý II/2023 của LPBank. |
Đáng chú ý, nợ xấu của LPBank tại ngày 30/6/2023 tăng hơn 2.200 tỷ đồng, từ 3426,8 tỷ đồng lên 5.656 tỷ đồng, tương ứng tăng 65% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của LPB tăng từ 1,45% lên 2,23% sau 6 tháng.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng từ gần 1.069,7 tỷ lên gần 1.598,4 đồng, tương ứng tăng 49%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 615 tỷ lên mức hơn 1.619 tỷ đồng (tăng 61,2%) và nợ có khả năng mất vốn(nợ nhóm 5) tăng vọt 80%, từ 1.352,5 tỷ đồng lên hơn 2.438 tỷ đồng.
Trong quý II/2023, LPBank đang ghi nhận hơn 224.100 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm. Cùng với đó, nhà băng này đang cho vay gần 253.400 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm nay.
Trước đó, trong Đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4, lãnh đạo Lienvietpostbank cho biết phần lớn danh mục trái phiếu ngân hàng đầu tư là trái phiếu Chính phủ và một phần nhỏ trái phiếu của các tổ chức tín dụng uy tín trên thị trường. Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng, chủ đạo là cho vay nông nghiệp nông thôn, dư nợ bất động sản chỉ chiếm 15% tổng dư nợ.
Lê Trang
Theo