(Xây dựng) - Huyện Tuy An phấn đấu năm 2023 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có ít nhất 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 3 vườn mẫu nông thôn mới; có trên 10 sản phẩm được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.
Các xã trên địa bàn huyện Tuy An phấn đấu xây dựng nông thôn mới. |
Những kết quả bước đầu gặp nhiều khó khăn
Tuy An là một huyện ven biển, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên. Tuy An có đô thị là thị trấn Chí Thạnh cách thành phố Tuy Hòa 30km về phía Bắc, là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, nơi hội tụ của nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể vô cùng quý giá với tiềm năng để phát triển du lịch – dịch vụ.
Đây là địa phương có số lượng di tích, danh thắng được xếp hạng nhiều nhất của tỉnh Phú Yên với 9 di tích, danh thắng cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Tuy An được các du khách trong và ngoài nước biết đến với nhiều điểm đến hấp dẫn khác như: Đầm Ô Loan, Hòn Yến; Hòn Chùa; Gành Đá Đĩa - được xếp vào top 20 điểm đến được du khách yêu thích khi đến Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện nay huyện Tuy An có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, khi rà soát, đánh giá lại theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, địa phương còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn, tập trung vào các tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện như: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông; các tiêu chí liên quan đến đời sống sản xuất của người dân như: thu nhập, hộ nghèo, môi trường, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Đối với việc xây dựng huyện nông thôn mới, Tuy An mới chỉ đạt 3/9 tiêu chí, tỷ lệ đạt các tiêu chí còn thấp so với quy định.
Thị trấn Chí Thạnh là đô thị của huyện Tuy An đang phát triển từng ngày. |
Để Tuy An về đích nông thôn mới đúng hẹn, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND huyện Tuy An xây dựng Đề án phấn đấu huyện nông thôn mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó cần xác định nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn bảo đảm hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 tại 14 xã công nhận nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao tại 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (An Chấn và An Ninh Tây). Hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Đồng thời thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí đô thị văn minh trên địa bàn thị trấn Chí Thạnh.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên tất cả lĩnh vực. Tập trung thực hiện chương trình OCOP ở các xã, phấn đấu mỗi xã có 1 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; tận dụng lợi thế vùng miền, phát triển du lịch, dịch vụ thương mại và các mô hình phát triển sản xuất tại địa phương. Xây dựng cảnh quan môi trường, các tuyến đường hoa, cây xanh, đặc biệt là các tuyến đường đến các địa điểm tham quan, du lịch nhằm tạo điểm nhấn về huyện nông thôn mới.
Tập trung nguồn lực về đích nông thôn mới
Theo mục tiêu kế hoạch, Tuy An phấn đấu năm 2023 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có ít nhất 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 3 vườn mẫu nông thôn mới; có trên 10 sản phẩm được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.
Các địa phương trong toàn huyện Tuy An đồng lòng xây dựng nông thôn mới. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: Thời gian tới, Tuy An tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt, đầu tư đạt chuẩn các tiêu chí chưa đạt, ưu tiên tập trung chỉ đạo quyết liệt các tiêu chí chưa đạt mà cần ít vốn đầu tư; xây dựng lộ trình thực hiện theo mốc thời gian cụ thể, có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh phát triển sản xuất tăng thu nhập cho người dân. Tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt; phối hợp với các ban, ngành của huyện thực hiện đạt chuẩn đô thị văn minh.
Cùng đó, UBND huyện Tuy An phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chí Thạnh và vùng phụ cận đến năm 2035 khi có ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng. Triển khai thi công các tuyến đường ĐH34 xã An Lĩnh, đoạn cầu Nhất Trí thuộc xã An Định và tuyến đường ĐH 36, xã An Cư, hoàn thành 100% km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch. Hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ đấu thầu đơn vị quản lý, khai thác, đưa bến xe khách trung tâm huyện đi vào hoạt động.
Đầu tư xây dựng chợ thị trấn Chí Thạnh đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Tiếp tục kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Tam Giang, xã An Cư; cụm công nghiệp Phú Long, xã An Mỹ. Phối hợp với Công ty cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đầu tư dự án mở rộng cung cấp nước sạch cho cụm xã: An Mỹ, An Hòa Hải, An Hiệp; cụm xã An Định, xã An Nghiệp.
Phát động trồng cây xanh, hoa dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện Tuy An. |
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01, ngày 28/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy An, phát động trồng cây xanh, hoa dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện. Đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; xây dựng có kế hoạch/đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn xã An Hiệp; đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp.
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong việc triển khai, theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, tổ chức, người dân trong triển khai thực hiện.
Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Khuyến khích hình thức xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất.
Mỹ Bình
Theo