Chủ nhật 05/05/2024 14:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tương lai bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương

16:32 | 15/02/2022

(Xây dựng ) - Theo một báo cáo trước đó của Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), khối lượng đầu tư vào ngành khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ vượt 7 tỷ USD trong năm 2021, tăng 15% so với năm 2020. JLL dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên tối thiểu ở mức 9 tỷ USD trong năm 2022, sau khi các nhà đầu tư cân nhắc những khó khăn ngắn hạn đến trung hạn của ngành khách sạn do đại dịch mang lại.

tuong lai bat dong san tai chau a thai binh duong

Đầu tư khách sạn có khả năng tăng cao

“Đầu tư khách sạn châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Trong khi Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động của ngành và việc triển khai vốn, các nhà đầu tư lại coi đây là thời điểm thích hợp để hoàn thành các giao dịch”, MIKe Batc, CEO của JLL Hotels & Hospitality Group tại châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

“Người mua đang xem bối cảnh hiện tại là sự khởi đầu của một chu kỳ đầu tư mới trong ngành khách sạn. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục chứng kiến mức chênh lệch giá mua - giá bán khá lớn, vì các chủ sở hữu khách sạn được hỗ trợ bởi các khoản vay với lãi suất tương đối thấp và mối quan hệ tốt với các bên cho vay. Do đó, người bán đang giữ giá cao hơn trong khi chờ các điều kiện thị trường được cải thiện. Tất cả các yếu tố này khiến chúng tôi tin tưởng vào sức hấp dẫn lâu dài của ngành này”, Nihat Ercan - Giám đốc điều hành cấp cao của JLL Hotels & Hospitality Group tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Theo phân tích của JLL, dòng vốn xuyên biên giới sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong đầu tư khách sạn vào năm 2022. Các nguồn vốn mới sẽ tham gia thị trường, chẳng hạn như các quỹ đầu tư của các gia đình tài phiệt và các nhà đầu tư đến từ Châu Âu và Trung Đông.

Dòng vốn toàn cầu cùng sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng sẽ thúc đẩy thị trường BĐS trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, theo Công ty tư vấn BĐS toàn cầu Colliers.

Bất động sản công nghiệp và logistics có tiềm năng

Các chuyên gia từ Colliers cho rằng những tài sản văn phòng ở các thành phố lớn như London, New York, Tokyo và Sydney vẫn giữ được sức hút trong năm tới. Theo khảo sát, có tới 60% nhà đầu tư coi các tài sản văn phòng là khoản đầu tư cốt lõi trong năm tới. Ngoài ra, BĐS công nghiệp và logistics cũng được chú ý.

“Dựa trên báo cáo của chúng tôi, nhu cầu bị dồn nén trong hai năm qua sẽ trở thành động lực cho thị trường trong năm sau. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải đối mặt với môi trường ngày càng phức tạp và cạnh tranh. Hiện tại, các tài sản văn phòng ở những thành phố lớn được coi là khoản đầu tư an toàn trong lộ trình triển khai vốn của các DN”, Tony Horrell - người đứng đầu thị trường vốn toàn cầu tại Colliers cho biết.

Terence Tang - lãnh đạo bộ phận vốn và dịch vụ đầu tư khu vực APAC của Colliers nhận xét: “Sự lạc quan trên khắp khu vực APAC tiếp tục là động lực và các nhà đầu tư sẽ có mong muốn rõ ràng hơn trong việc mở rộng danh mục đầu tư của họ. Khối lượng giao dịch đang phục hồi, đồng thời hiệu suất cũng được cải thiện theo thời gian”.

BĐS công nghiệp và logistics vẫn sẽ được quan tâm nhiều nhất, với khoảng 20% nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn sẽ tăng từ 10 - 20% trong năm 2022, được hỗ trợ bởi các xu hướng tiêu dùng toàn cầu, cũng như sự chuyển đổi quy mô của các nền kinh tế.

Trong khi đó, lĩnh vực văn phòng vẫn đóng vai trò cốt lõi. Theo các chuyên gia Colliers; Singapore, Sydney và Tokyo là ba thành phố có khả năng được các nhà đầu tư văn phòng cho thuê tìm kiếm nhiều nhất. Có tới 63% nhà đầu tư được hỏi cho biết chắc chắn sẽ tham gia thị trường này vào năm tới.

Thị trường nhà đất/cho thuê ngày càng được săn đón. Các nhà đầu tư nhắm đến cả những dự án cốt lõi cho tới những dự án không cốt lõi. Nhật Bản và Úc là hai quốc gia được đề cập nhiều nhất khi nhắc tới thị trường này.

Cơ hội cho bất động sản bán lẻ

Cuộc khảo sát của Colliers cho thấy các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng từ các tài sản bán lẻ trong năm 2022. Khoảng 1/3 nhà đầu tư đang cân nhắc việc phân bổ BĐS bán lẻ trong danh mục đầu tư (bao gồm cả việc thay đổi mục đích sử dụng). Ngoài ra, khách sạn cũng tìm thấy những cơ hội mới khi 38% người được hỏi cho biết đang nghiên cứu phân khúc này. Cả lĩnh vực khách sạn và bán lẻ đều mang lại cơ hội tốt ở những thành phố có thị trường nội địa lớn như Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.

Các tài sản thay thế chuyên dụng, đặc biệt là trung tâm dữ liệu, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, dự kiến sẽ giúp thúc đẩy khối lượng đầu tư vào năm 2022. Ngoài ra, riêng đối với thị trường Úc, ký túc xá dành cho sinh viên cũng được quan tâm khi nước này sẵn sàng đón các sinh viên quốc tế quay trở lại học tập sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

“Mối quan tâm đến các tài sản thay thế sẽ tiếp tục tăng ở hầu hết các thị trường châu Á khi các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội mới”- ông Terence Tang nhấn mạnh.

Vũ Thắng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load