Thứ bảy 28/09/2024 17:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền

07:30 | 21/06/2024

(Xây dựng) - Là một nhà hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh coi báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền, động viên, cổ vũ, tổ chức, giáo dục ý thức chính trị, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng. Và, người hoạt động chính trị là phải nắm lấy báo chí trong tay, viết báo, dùng báo chí như là một thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù và những luận điệu sai trái, phản tiến bộ, những thói hư, tật xấu... trong xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ Đảng. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 14/6/1959, Người nói: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là “đề tài” thì tất cả các bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.171). Và, trong bài “Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh” đăng trên Báo Văn nghệ năm 1980, Ruf Bersatxki (Nga) có thuật lại lời bộc bạch của Hồ Chí Minh với tác giả: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất” (Dẫn theo Hà Minh Đức, trong Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.16). Duyên nợ với báo chí ở Hồ Chí Minh chính là làm cách mạng, viết báo, nắm lấy báo như một công cụ, một vũ khí tuyên truyền, và khi đấu tranh, phục vụ sự nghiệp cách mạng; Làm báo, viết báo là làm cách mạng, hai công việc đó là thống nhất trong quan hệ mục đích - công cụ ở người cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 08/9/1962).

Trong hơn 50 năm làm báo, từ những bài viết đầu tiên đăng trên các tờ báo của nước Pháp 1918 - 1920, đến bài báo viết cuối cùng: “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard M.Nixon” (viết ngày 25/8/1969, đăng Báo Nhân Dân số 5684 ngày 07/11/1969), Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo thuộc nhiều đề tài, nhiều chủ đề, nhiều thể loại, nhiều phong cách và bằng các thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Nga, Hoa, Việt,...) với trên 100 bút danh, đã sáng lập nhiều tờ báo để làm công cụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, giác ngộ cách mạng (Le Paria: 1922, Thanh niên: 1925, Việt Nam độc lập: 1941,...) và bằng thực tiễn hoạt động báo chí, Người đã hình thành và phát triển được một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, về báo chí, tuyên truyền, đã và đang soi đường cho hoạt động báo chí, tuyên truyền Việt Nam.

Bước đầu có thể nêu khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền như sau: Báo chí là tự do của tinh thần con người (chứ không phải tự do của một số người). Và, tự do báo chí bao giờ cũng tồn tại, những người làm báo phải đấu tranh bảo vệ tự do báo chí với ý nghĩa là tự do chân chính của tinh thần con người.

Báo chí nhất thiết phải mang tính chính trị, nó phải là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của một Chính phủ, một tổ chức xã hội nhất định và luôn đứng ra bảo vệ cơ quan, tổ chức xã hội đó bằng thái độ, lập trường của tổ chức mình, vì sự tiến bộ của xã hội.

Mác - Ăngghen nói “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được. Chính trị của báo chí cũng là chính trị. Tất cả những tờ báo chủ trương bỏ chính trị đều đang công kích Chính phủ. Vấn đề là can dự vào chính trị như thế nào và đến mức nào. Điều đó thuộc về tình hình chứ không phải theo quy định" (C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.17, tr.547).

Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng, tạo ra tính thống nhất tư tưởng và hành động trong xã hội để thực hiện những nhiệm vụ chung phát triển xã hội.

Báo chí là phương tiện phản ánh mọi hoạt động đời sống hàng ngày của xã hội, tạo ra sự tác động qua lại giữa quần chúng Nhân dân với báo chí.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp đón đoàn khách sạn quốc tế tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Viết Dũng.

Báo chí phải có tính chiến đấu, luôn chống lại những luận điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc sự thật, tôn trọng sự thật, kiên quyết bảo vệ tư tưởng tiến bộ, đúng đắn, phê phán các tệ nạn xã hội, biểu dương cái tốt, chân, thiện, mỹ.

Báo chí phải có tính đại chúng, nội dung viết phải thiết thực, dễ hiểu, mọi người đọc hiểu được, làm được, hình thức sáng sủa, văn phong ngắn gọn, rõ ràng, sinh động, hấp dẫn, hợp với đối tượng, tư liệu phong phú, chính xác, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

Mỗi tờ báo phải mang một màu sắc riêng, một cá tính riêng, không hòa lẫn với các tờ báo khác.

Người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, hiểu biết rộng, tinh thông nghiệp vụ, không ngừng học hỏi, nhạy bén chính trị và phải biết ít nhất một ngoại ngữ, thận trọng trong viết lách, bình luận.

Báo chí và thông tin, tuyên truyền là các lĩnh vực gắn kết chặt chẽ với nhau, Hồ Chí Minh nói: “Theo ý kiến của tôi, thì thông tin, tuyên truyền và báo chí là ba ngành trong một việc, ba ngành đó phải đi sát với nhau” (Thư gửi Hội nghị Thông tin tuyên truyền và báo chí toàn quốc, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.479).

Những tư tưởng về báo chí, tuyên truyền của Hồ Chí Minh là sự kế thừa, chọn lọc, sáng tạo các quan điểm của Mác - Ăngghen - Lênin về báo chí và là kết quả học hỏi, trải nghiệm hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí của Người tại nhiều nước trên thế giới và thực tiễn vận động cách mạng Việt Nam. Chính Mác - Ăngghen đã từng tuyên bố: “Xét theo sứ mệnh của nó, báo chí là người bảo vệ của xã hội, là người tố cáo không mệt mỏi những nhà cầm quyền, là con mắt ở khắp mọi nơi, là tiếng nói rộng rãi của tinh thần Nhân dân đang hăng hái giữ quyền tự do của mình” (C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.6, tr.313). Lênin cũng nói “Vai trò của tờ báo không phải chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những người bạn đồng tình chính trị. Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể” (Lênin toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.5, tr.12-13).

Phong Thư

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load