(Xây dựng) - Ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết, đánh giá bước đầu, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị theo tinh thần ngắn gọn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm.
Đánh giá về cơn bão số 3, Thủ tướng nhấn mạnh một số đặc điểm: Bão liên tục tăng cấp độ rất nhanh (từ cấp 8 lên cấp 16, giật cấp 17 trong 48 giờ); bão kéo dài nhiều giờ trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn, tác động 26 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng phạm vi rộng, đối tượng nhiều; gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất với nhân dân và đất nước; việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm và có những mất mát không bao giờ bù đắp được, đó là thiệt hại về người thiệt mạng và mất tích; sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân còn kéo dài và hậu quả khó lường.
Thủ tướng đánh giá công tác cảnh báo, dự báo cơ bản tốt, sát tình hình, từ sớm, từ xa, nhưng còn có sai số như chưa dự báo được sớm việc bão giật cấp 17 khi vào bờ và kéo dài trong đất liền; hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, có nơi tới 700mm; dự báo lượng nước về các hồ đập, sông lớn chưa sát thực tế. Nguyên nhân là trang thiết bị có hạn, đầu tư cho công tác dự báo chưa tương xứng.
Công tác tuyên truyền, thông tin tới người dân nhìn chung được các cơ quan, báo chí làm tốt với cách làm sáng tạo, ở mức cao nhất có thể, phù hợp với tình hình bất thường; ngoài thông tin về tình hình còn hướng dẫn kỹ năng, cách ứng phó thiên tai.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới. Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị đã họp, nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, thăm hỏi các lực lượng và người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, triển khai các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lũ; lập Ban chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng…
Các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 51 công điện, văn bản, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương… đã ban hành các công điện, đồng thời triển khai các đoàn công tác. Các địa phương đã ban hành 356 công điện, tổ chức 146 đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.
Công tác phòng chống tích cực, kịp thời, đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân vào cuộc, phát huy "4 tại chỗ". Lực lượng quân đội, công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.
Lực lượng chức năng đã kịp thời thông tin, hướng dẫn cho trên 51.000 tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tránh trú bão; triển khai trên 180 triệu lượt tin nhắn cung cấp thông tin bão, lũ cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời trên 173.000 người trên các lồng, bè, chòi canh nuôi thủy hải sản và những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, nhân dân đã tự nguyện, tự giác và rất tích cực, chủ động trong ứng phó với bão, mưa lũ.
Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão vẫn rất lớn. Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, tính đến ngày 26/9/2024, bão, mưa lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn; hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố; gần 350.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 8.100 lồng bè, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá... ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Công tác khắc phục hậu quả bão, lũ đã được triển khai rất quyết liệt, kịp thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Qua đây, chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" được thể hiện rất rõ.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD.
Nhiều địa phương trong cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương và người dân bị thiên tai vượt qua khó khăn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc để khắc phục hậu quả thiên tai.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thủ tướng đánh giá chung, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin - truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người.
Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bên cạnh đó, có những việc chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng:
Thứ nhất, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước.
Thứ ba, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả.
Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây trong thời kỳ chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.
Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông.
Bộ Tư pháp cùng các Bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10/2024. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.
Với cường độ mạnh lịch sử, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. |
Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các Bộ, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31/12/2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai rất nhanh việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân làng Nủ, huyện Bảo Yên và bản Nậm Tông, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai…
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10/2024, thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động.
Cùng với đó, rà soát, sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những người hy sinh, những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến, chậm nhất trong tháng 10/2024; xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai.
Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ.
Khánh Diệp
Theo