(Xây dựng) - Trường THPT Đào Duy Từ, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, được xây dựng trên một quả đồi hẻo lánh, cách xa khu dân cư, thế nên từ khi đưa vào hoạt động trường này ngày càng lâm vào tình trạng “đói khát” học sinh. Gần 5 năm nay, ngôi đường đã bỏ hoang hóa, một số hạng mục hư hỏng, xuống cấp khiến người dân địa phương xót xa.
Cổng trường THPT Đào Duy Từ, cây dại mọc um tùm do bỏ hoang nhiều năm nay do xây dựng ở nơi hẻo lánh, gây lãng phí tiền ngân sách. |
Từ thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) đi theo hướng Quốc lộ 28b gần 2km rẽ trái, tiếp tục men theo con đường nhựa chạy dọc dòng sông Serêpốk chừng 4km nữa, chúng tôi mới tới được khu vực trường THPT Đào Duy Từ, nay được đổi tên là trường THPT Phan Châu Trinh phân hiệu 2.
Theo quan sát, ngôi trường nằm heo hút, cô đơn trên một sườn đồi, xung quanh không thấy một bóng người qua lại. Dọc đường chỉ thưa thớt vài nhà dân, vây quanh là vườn rẫy. Đứng trước cổng trường này, chúng tôi không khỏi xót xa, bởi cổng trường hoen rỉ, cửa đóng then cài. Xung quanh 2 phía cổng, chạy dọc tường rào là những lùm cây, bụi cỏ thi nhau xen lấn, mọc rậm rạp khiến ngôi trường càng trở nên hoang vu, lạnh lẽo.
Ngôi trường được xây dựng khang trang với 3 tầng, hàng chục phòng học nhưng phải đóng cửa vì xa khu dân cư, không có học sinh đăng ký nhập học. |
Có mặt tại đây, chúng tôi muốn tiếp cận những hạng mục, khảo sát một vòng bên trong ngôi trường nhưng gọi tới khản cả cổ họng cũng chẳng có người ra mở cổng.
Đứng bên ngoài nhìn vào bên trong, sân trường cỏ mọc um tùm, những cây xanh được trồng tạo cảnh quan cũng vươn mình để chiếm lấy không gian trống vắng. Ngôi trường được xây dựng kiên cố với tòa nhà chính 3 tầng, hàng chục phòng học. Hiện, tài sản của trường được niêm phong, do bỏ hoang lâu năm nên một số hạng mục đang dần xuống cấp.
Chúng tôi ngồi đây gần 1 giờ đồng hồ để kiếm tìm người dân đi ngang bắt chuyện nhưng mãi chả thấy. Vì không vào được bên trong, chúng tôi đành chạy quanh vòng ngoài. Ngôi trường được bao bọc bởi một hàng rào kiên cố chạy quanh, nhìn đâu cũng thấy cây cối um tùm, rậm rạp bởi cây cỏ xâm lấn. Phía sau ngôi trường này là trung tâm Dạy nghề huyện Cư Jút cũng đang lâm vào tình trạng tương tự bởi vắng bóng người học. Tuy nhiên, cổng trung tâm này vẫn mở, phía trong sân được người dân tận dụng để phơi nông sản.
Tường rào trường THPT Đào Duy Từ được xây dựng kiên cố nhưng đang dần xuống cấp vì cây dại mọc um tùm, không có người dọn dẹp, trông coi. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Sinh Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, ngôi trường THPT Đào Duy Từ được đưa vào sử dụng năm 2009, thời gian đầu có đông học sinh đăng ký học, nhưng số lượng càng thưa dần và nhiều năm nay đã bỏ hoang. Phía địa phương cũng mong muốn các cấp chính quyền đầu tư đường sá, bởi đường ở đây nhỏ, đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cho học sinh khi đi học.
Cũng theo ông Vũ Sinh Quyết, khu vực quanh xã chỉ có khoảng 100 hộ dân sinh sống, tỷ lệ lứa tuổi đến trường không nhiều, đường sá thì chật hẹp, việc lưu thông đi lại gặp nhiều khó khăn nên nhiều học sinh ở vùng xa hơn cũng được phụ huynh chọn những trường ngoài thị trấn cho con học.
Phía sau lưng trường THPT Đào Duy Từ là Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút cũng đang vắng bóng người học, không phát huy hết công năng gây lãng phí tiền ngân sách. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trường THPT Đào Duy Từ được xây dựng từ năm 2007, thời điểm này dân cư ở đây còn thưa thớt hơn nhiều, bởi khu vực này hẻo lánh, nằm sau là khu vực sông Sêrêpốk, phía trước khu công nghiệp Tâm Thắng, người dân lo ngại về sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe từ chất thải khu công nghiệp nên hầu như không mặn mà sinh sống ở đây.
Dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi, là việc xây dựng trường học để giải quyết nhu cầu cần thiết, cấp bách của từng địa phương. Nhưng không hiểu sao ngôi trường cấp 3 này lại được xây dựng cách đây hơn 15 năm khi dân cư thưa thớt, được vài chục hộ dân lại nằm khu hẻo lánh? Thậm chí đến bây giờ cũng chỉ khoảng 100 hộ dân sinh sống, nhu cầu sử dụng hầu như là con số 0 tròn trĩnh?
Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút được người dân tận dụng phơi nông sản, bởi theo lãnh đạo xã Tâm Thắng 1 năm chỉ có vài chục người tham gia lớp học nghề. |
Không chỉ ngôi trường THPT Đào Duy Từ, mà ngay cả Trung tâm dạy nghề của huyện này cũng gần như bỏ hoang, bởi 1 năm chỉ đào tạo 1 lớp có vài chục người học nghề.
Với việc đầu tư hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách, rồi bỏ hoang phế gây lãng phí, khiến người dân tỏ rõ sự xót xa, tiếc nuối, bởi Đắk Nông là tỉnh nghèo, nhiều địa phương đang thiếu trường học, học sinh phải đi xa hàng chục km tới để tới trường.
Ngọc Giang
Theo