(Xây dựng) - Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch hợp tác xây dựng một căn cứ nghiên cứu tự động tại cực Nam Mặt trăng. Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2035, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành Xây dựng và khám phá vũ trụ.
Hình ảnh mô phỏng khu vực hạ cánh của tàu thăm dò Chang'e-6 tại cực Nam Mặt trăng. (Ảnh: ChinaSpaceFan/CC BY-SA 4.0) |
Theo thông tin từ Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), Trung Quốc và Nga sẽ triển khai 5 nhiệm vụ để đặt các mô-đun cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng xây dựng căn cứ nghiên cứu trong tương lai trên bề mặt Mặt trăng. Vị trí được lựa chọn là cực Nam của Mặt trăng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2035.
Dự án đặt ra những thách thức kỹ thuật vô cùng lớn: Môi trường trên Mặt trăng khắc nghiệt; Nhiệt độ thay đổi đột ngột; Bức xạ vũ trụ cao; Không có bầu khí quyển. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hoá lên Mặt trăng vô cùng tốn kém và phức tạp, cần phải có những giải pháp tối ưu.
Bên cạnh những thách thức, dự án xây dựng căn cứ trên Mặt trăng mở ra vô vàn cơ hội. Việc xây dựng căn cứ sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới, vật liệu siêu nhẹ, robot xây dựng tự động…
Trung Quốc đã ký kết hợp tác với hơn 10 quốc gia, tổ chức quốc tế và đạt được những thành tựu khoa học đầu tiên. Trung Quốc đang từng bước thực hiện hoá giấc mơ chinh phục vũ trụ.
Trung Quốc sẽ tiếp tục khám phá Mặt trăng với các tàu thăm dò Chang'e-7 năm 2026 và Chang'e-8 năm 2028 với nhiệm vụ điều tra khu vực cực Nam và nghiên cứu khả năng sử dụng tài nguyên của Mặt trăng.
Cùng lúc đó, Mỹ đang tích cực triển khai chương trình Artemis để xây dựng căn cứ và trạm không gian trên Mặt trăng. Sau thành công của chuyến bay thử nghiệm vào vũ trụ năm 2022, Mỹ dự kiến tiếp tục đưa 4 phi hành gia vào vũ trụ để thử nghiệm công nghệ mới.
Theo dự kiến, chuyến bay có người lái thám hiểm Mặt trăng mang tên Artemis II sẽ thực hiện vào tháng 9/2025, một lần nữa đưa con người trở lại Mặt trăng.
Hà Trần (Theo Global Construction review)
Theo