(Xây dựng) - Tập đoàn Trung Nam Group vừa phát động chiến dịch 102 ngày đêm hoàn thành nhà máy điện mặt trời 450MW và đường dây truyền tải 500KV, 220KV kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam – Thuận Nam. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trên cả nước làm làm hạ tầng truyền tải điện 500kV dài 17km tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ
Thông thường với khối lượng công việc khổng lồ là xây dựng nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 450MW, kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam – Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV phải mất thời gian khoảng 3 năm để hoàn thành. Nhưng Trung Nam Group lập kế hoạch thi đua để có thể hoàn thành trong 6 tháng và kể từ ngày 15/5 dự án còn 102 ngày để có thể hoàn thành.
Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, quy mô thực hiện gồm Nhà máy điện mặt trời 450MW, kết hợp với trạm biến áp 220/500kV và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Riêng việc xây dựng đường dây truyền tải 500kV, 220kV từ dự án về Vĩnh Tân do thi công trên núi nên Trung Nam Group sẽ sử dụng trực thăng để kéo dây.
Hàng ngàn thiết bị máy móc đang tập trung thi công tại dự án điện mặt trời 450MW của Trung Nam Group tại Ninh Thuận. |
Nhà máy điện mặt trời sẽ sử dụng 1,4 triệu tấm Panel pin với 102 bộ Inverter 3 pha cùng 2.770 hộp gom dây, 23.900 dãy hệ giá đỡ 10% xoay tự động 90% hệ cố định và 6 triệu m dây dẫn kết nối các tấm pin về hộp gom. Trạm Trạm biến áp 33/220/500kV gồm 2 máy Siemens của Đức có tổng công suất 1.800MVA. Đường dây 500kV mạch kép dài 15,5km gồm Trạm 500 kV Thuận Nam kết nối điểm chuyển Vân Phong – Vĩnh Tân và điểm chuyển Vân Phong - Vĩnh Tân kết nối nhiệt điện Vĩnh Tân. Đường dây 220kV – 04 mạch dài 2km với trạm biến áp 500kV Thuận Nam kết nối mạch 220kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm.
Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết: "Với tinh thần quyết tâm đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải) đi vào cuộc sống, nhà đầu tư quyết tâm thực hiện Trạm biến áp 220/500kV Trung Nam – Thuận Nam và đường dây 220kV, 500kV chỉ trong thời gian 102 ngày đêm và dự kiến sẽ hoàn thành dự án, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia trong tháng 9/2020 để chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận.
Hiện nay, hàng nghìn container trang thiết bị đang trên đường về Việt Nam. Nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng cũng đã cập cảng Vĩnh Tân. Sau buổi lễ, các thiết bị sẽ được vận chuyển về công trường để thi công. Chúng tôi đã thuê trực thăng khảo sát địa hình để chuẩn bị làm đường dây truyền tải vượt núi. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân Trungnam Group xác định tư tưởng chỉ có chặng đường gập ghềnh phía trước và không có đường lui”.
Hướng tới 3000MW điện
Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch 102 ngày đêm của Trung Nam Group, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và triển khai đầu tư đưa vào vận hành trong năm 2020. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lựa chọn Trung Nam Group là Nhà đầu tư thực hiện dự án bảo đảm công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành.
“Ninh Thuận là một vùng tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió, điện năng lượng tái tạo. Qua tính toán sơ bộ, Ninh Thuận có khả năng phát triển đến 10.000 MW điện, trong đó điện gió sẽ phát triển từ 6.000 – 8.000MW, còn lại là điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện khí”, ông Vĩnh nói.
Các nhà thầu ký cam kết hoàn thành tiến đúng độ dự án trong chiến dịch 102 ngày đêm. |
Khi hoàn thành và đưa Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam vào vận hành sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia. Đáng chú ý, dự án còn bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh việc khai thác hơn 1 tỷ kWh – tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỷ kWh), dự án sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Cao Cường – Ngọc Long
Theo