Trùng Khánh phát triển nhanh với các tòa cao ốc chọc trời.
Sức sống TP trẻ
Trùng Khánh đang thay đổi từng ngày. Ông Dũng - một cư dân Trùng Khánh cho biết ước tính TP này có hơn 3.000 cây cầu và hàng nghìn tòa nhà chọc trời. Nó vẫn đang tiếp tục phát triển và bộn bề với những tòa nhà xây dựng ngổn ngang. Khắp mọi nơi đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những cây cầu mới, các tòa tháp cao tầng... Giữa các tòa nhà san sát nhau vẫn đang tiếp tục mọc lên những tòa nhà mới. Rất hiếm có thể tìm gặp được chút xưa cũ ở TP này, nơi cái mới ngự trị và thay đổi từng ngày.
Với chính sách đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ra vùng nội địa rộng lớn của Trung Quốc, những năm gần đây Trùng Khánh có sự phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP đã thu hút khoảng 200 nghìn cư dân mới mỗi năm và chính quyền vẫn đang tiếp tục mở rộng ranh giới của Trùng Khánh bằng việc hợp tác với các khu vực nông thôn lân cận bằng kế hoạch “Chu kỳ kinh tế một giờ”. Theo kế hoạch này, Trùng Khánh sẽ dịch chuyển hơn 2 triệu cư dân nông thôn vào các khu đô thị mới với khoảng cách 1 giờ đi xe tới trung tâm TP trong vòng 5 năm và thêm khoảng 2 triệu người trong 5 năm tiếp theo.
Giờ đây, chạy xe từ sân bay Trùng Khánh về trung tâm TP người ta có thể nhận thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nông thôn sang thành thị. Suốt chiều dài khoảng 30km từ sân bay về tới trung tâm đâu đâu cũng thấy các tòa nhà đang tiếp tục mọc lên. Do địa hình đồi núi, Trùng Khánh đã tận dụng tối đa diện tích đất với mật độ xây dựng không kém Hồng Kông hay Thượng Hải...
Xét cả về quy mô, kích cỡ, khát vọng và mức độ chuyển mình, Trùng Khánh đang được coi là đại diện cho sự chuyển hướng mới của kinh tế Trung Quốc.
Đối mặt với thách thức
Sự phát triển nhanh chóng của Trùng Khánh đưa nơi đây thành “miền đất hứa”. Nhưng tiến trình này đang gặp khá nhiều “trục trặc”. Với nền kinh tế dựa chủ yếu vào vận chuyển đường thủy, sản xuất thép, nấu quặng, sản xuất ôtô... và sự phát triển nhanh chóng các khu đô thị đang đe dọa nghiêm trọng môi trường. Người dân Trùng Khánh cho biết, rất khó có thể ngắm toàn cảnh TP dù vào những ngày đẹp trời nhất. Màn sương khói bụi luôn bao trùm lấy TP và người ta không thể nhìn thấy đường chân trời. Nhất là vào những tháng mùa hè, khi hàng triệu máy điều hòa, ô tô, nhà cao tầng, đường bê tông... tỏa nhiệt ra môi trường, tạo nên hiệu ứng nhà kính khiến khí hậu Trùng Khánh đã nóng càng thêm ngột ngạt. Kinh tế và dân số tăng nhanh ngày càng tạo áp lực đối với môi trường ở Trùng Khánh.
Mục tiêu xây dựng nhiều TP mới như Trùng Khánh nhằm làm giảm bớt tình trạng đói nghèo của người dân nông thôn cũng đang kéo theo nhiều hệ lụy. Hàng nghìn người đã đến Trùng Khánh với những giấc mơ dường như không thể với tới được, nhất là với những người di cư ở trình độ giáo dục thấp hơn, hoặc kém may mắn hơn. Khát vọng về một công việc ổn định trong sự bùng nổ của ngành công nghiệp xây dựng dường như ngày càng xa vời khi cung đã vượt quá cầu.
Ngay giữa trung tâm TP, từng đoàn người di cư tới để chờ đợi và sẵn sàng làm bất cứ việc gì như kiểu phu khuân vác thời xưa. Họ mang vác đủ thứ, từ VLXD, hàng hóa, túi xách cho khách du lịch... đến khắp “hang cùng ngõ hẻm” trong TP. Đêm đến, họ ngủ ngay bên hiên các tòa nhà hoặc trên ghế đá. Họ cho biết, với mức lương hàng tháng khoảng 70 USD, họ có thể dành tiền gửi về trợ giúp gia đình ở nông thôn. Vì vậy, ngày ngày vẫn tiếp tục có hàng nghìn người di cư đến Trùng Khánh mang theo hy vọng về một công việc ổn định.
Phạm Bùi
Theo baoxaydung.com.vn