Thứ tư 24/04/2024 13:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Triết lý Tết cổ truyền Việt Nam

10:00 | 22/01/2023

(Xây dựng) - Tết bắt đầu từ ngày mùng một, tháng Giêng, theo lịch cổ truyền mà ta quen gọi là âm lịch - thật ra phải gọi là âm - dương hợp lịch, vì “tháng” được tính theo trăng (từ “mùng một lá trai, mùng hai lá lúa - đến ba mươi không trăng); còn “24 tiết” trong năm được định theo mặt trời. Ấy là không kể lịch còn được điều chỉnh theo các vì sao, “nhật - nguyệt - tinh” đều được tham chiếu để làm lịch. Do đó, âm lịch không phải là lịch thuần âm hay thuần dương.

Triết lý Tết cổ truyền Việt Nam

Tết là ngày đầu năm mới, trước hết và quan trọng nhất là “mùng một”, rồi bao hàm cả “3 ngày Tết” (từ mùng một đến mùng ba). Nhưng, trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm cũ, người ta gọi là “23 Tết” (ít người gọi là 23 tháng Chạp), cứ thế kéo dài đến “30 Tết” (30 tháng Chạp). Đêm ấy - hay nửa đầu đêm ấy - được coi là tối tăm nhất trong năm - “tối như đêm ba mươi Tết” - Và “ông Hùm” được bảng giá trị cổ truyền coi là thế lực đáng sợ nhất, tối tăm nhất nên lại được gọi một cách tượng trưng - văn hoá là “ông ba mươi”. “30 Tết”, qua “Giao thừa” lại được gọi là “mùng một Tết” rồi “mùng hai Tết”… cho đến ít nhất là “mùng bảy Tết”.

Thật ra lễ đầu năm mới được gọi thu gọn là Tết chứ nếu gọi một cách đầy đủ thì dân gian nói là Tết cả, hay gọi theo “tên chữ” (Hán - Việt) là Tết Nguyên đán. Nguyên là “đầu tiên”, Đán là “buổi sớm”. Theo nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Vậy “Tết Nguyên đán” là “Tết đầu năm mới”.

Còn Tết cả nghĩa là Tết hàng đầu, Tết đứng đầu, Tết to nhất và quan trọng nhất. Với tên gọi ấy, trong tâm thức dân gian đã tiềm ẩn ý là sau Tết cả, có những tết khác, “Tết con”, Tết không to bằng, không quan trọng bằng Tết cả.

Dân ta còn gọi nhiều lễ nữa trong năm là “Tết”, thí dụ “Tết mùng ba tháng Ba” (Hàn thực hay “tiệc bánh trôi”), “Tết Đoan Ngọ” (mùng 5 tháng 5), Tết “Trung thu” (Rằm tháng Tám), “Tết cơm mới” (thường tân, mùng 10/10 hay mùng 01/10 tuỳ vùng).

Vậy Tết theo nghĩa rộng bao hàm những định kỳ lễ lạt trong năm và quanh năm. Tết nhân văn vẫn nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ một năm, chẳng hạn Tết Đoan Ngọ là khoảng trước sau ngày Hạ chí, Tết cơm mới ở khoảng tiết Đông chí, Tết Trung Thu ở khoảng tiết Thu phân... Tết cả hay Tết Nguyên đán là nương theo cái tiết lập Xuân.

Theo GS Trần Quốc Vượng “Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang tính biểu trưng, với nhiều biểu tượng và pha mầu Đạo giáo. Bảy ngày trước ngày đầu năm mới, tức 23 tháng Chạp là ngày chết tạm thời của vũ trụ, theo ước lệ.” Bảy (7) là con số thiêng biểu tượng của vũ trụ, chỉ cái Toàn thể, như 3 hồn ở tim; 7 vía ở rốn trong toàn thể hồn vía một người đàn ông; như Đức Phật sơ sinh bên Ấn Độ bước đi 7 bước, tức khắp vùng thế giới.

Một ước lệ khác: Hôm ấy ông Công ông Táo - vị thần tuy 3 mà là một trong “Tam vị nhất thể” Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ của Đạo giáo được Việt Nam hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà”- vị thần Đất, vị thần Nhà và vị thần Bếp núc, cưỡi cá chép bay lên trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng vô chủ tâm linh. Ngày 23 Tết được gọi là Tết ông Công ông Táo. Người ta làm cỗ cúng tiễn “ông Táo chầu giời”, mua cá chép sống rồi thả “phóng sinh” xuống ao, hồ, sông lạch. Nét biện chứng, từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Một nét biện chứng khác: Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng cây nêu. Cây nêu mang ý nghĩa phổ quát của cây vũ trụ. Sự tích cây nêu Việt Nam là huyền thoại đã được Phật hóa. Trên cành của cây nêu treo áo cà sa của đức Phật để xua đuổi quỷ dữ, là những thế lực hắc ám và bóng tối, lợi dụng lúc cuối năm vô chủ thần linh đã tiến vào dương thế, tranh giành lãnh thổ với con người. Việc người xưa dùng vôi trắng, tượng trưng cho ánh sáng, để vẽ cung tên trên sân nhà hướng về phía Đông để xua tan đêm tối. Vì mặt trời đi ngủ nên phải dựng cây nêu để đón ánh sáng, để mặt trời có chỗ đậu, vì thế cây nêu còn gọi là cây mặt trời. Để xã hội hài hoà và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết xưa kia, mọi công việc đồng áng, làm ăn buôn bán, học hành... đều tạm dừng. Từ đây không ai được vào rừng khai thác thu lượm lâm sản nữa. Các cơ quan công quyền ở huyện, tỉnh, trấn xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc sau khi đã làm lễ “hạp ấn” - niêm phong mọi con dấu, ấn triện... Nhà tù cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

Nghi thức quan trọng thứ hai của Tết, sau Tết ông Công, ông Táo là giây phút giao thừa, thời điểm chuyển tiết giữa năm cũ - năm mới, được huyền thoại quan niệm như sự giao hoà âm - dương, phối ngẫu đất trời, để từ trong cái chết - cái cũ nảy sinh sự sống - cái mới. Giao hoà, giao hợp là triết lý phồn thực. Một ông Táo mới - hay cũ mà đổi mới - lại xuống trần thế làm chủ nhà - bếp - đất trong năm mới. Người ta bày một mâm cỗ cúng ở ngoài sân để đón ông, mừng ông.

Tín ngưỡng cơ bản của người tiểu nông Việt Nam trồng lúa nước cổ truyền, pha đậm đặc thêm bởi ảnh hưởng đạo Nho, là sự thờ cúng tổ tiên. Tháng 12, lịch cổ truyền là tháng Lạp (lạp nguyệt) tức tháng Chạp, người ta đi “chạp mả”, sửa sang, thắp hương trên các mộ phần, khấn mời ông bà, ông vải, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Cùng với mâm cỗ cúng ông Táo cũ, 23 Tết là cỗ cúng tổ tiên. Cùng với mâm cỗ cúng đón ông Táo mới phút giao thừa ngoài sân là mâm cỗ cúng tổ tiên trên bàn thờ trong nhà.

Và 3 ngày hay 5 ngày đầu năm mới là 3 - 5 ngày thường xuyên sửa cỗ dâng cúng, để tổ tiên được hưởng hương hoa lễ vật; còn con cháu thụ lộc trong tinh thần cộng cảm (communion) gia đình và người thân.

Tình cảm gia đình của người Việt Nam xưa rất nặng: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà. Dù đi làm ăn buôn bán, học hành nơi đâu quanh năm suốt tháng, gần ngày Tết người ta cũng tìm mọi cách trở về quê, về nhà để cúng tổ tiên, sum họp gia đình, cộng cảm cùng thân quyến nội ngoại.

Như trên đã nói lối sống, thế ứng xử Việt 3 ngày Tết cổ truyền là:

“Mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”. Đó là đạo đức, hiếu lễ, tôn sư trọng đạo của Nho học, của người Việt.

Vì Tết là đổi mới, là sức sống mới nên gam màu chủ đạo trong trang trí Tết là màu đỏ - tượng trưng màu máu, màu của sự sống, tái sinh. Màu đỏ được coi là màu của may mắn, màu của sự sống, hồi sinh… Ở góc độ tâm linh, ma quỷ sợ màu đỏ nên những ngày vũ trụ vô chủ thần linh người ta treo câu đối đỏ hay cắm hoa đào để xua đuổi tà ma. Vì thế màu đỏ là màu chủ đạo trong những ngày Tết; từ phong bao lì xì, tràng pháo, câu đối dán cửa, miếng vải trên ngọn cây nêu đến giấy gói quà Tết, hộp mứt Tết, lạt buộc bánh chưng Tết cũng được nhuộm đỏ.

Tết là sự trình diễn những món ăn dân tộc: Giò, chả, vây bóng, thịt mỡ dưa hành. Đúc kết biểu trưng Tết, không gì cô đọng súc tích bằng đôi câu đối: Thịt mỡ - dưa hành - câu đối đỏ/ Cây nêu - tràng pháo - bánh chưng xanh.

Tết cũng có những thủ tục và điều kiêng kị, như tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng nhau năm mới, hái lộc, xuất hành, khai bút... Kiêng ăn nói thô tục, kiêng quét nhà đổ rác vì sợ mất lộc, người có tang kiêng đến nhà người khác đầu năm mới...

Sau 3 ngày hay 5 ngày, người ta làm lễ và cỗ cúng hóa vàng, đốt tiền giấy và tiễn tổ tiên về lại thế giới của người đã khuất. Từ phút giao thừa, sự sống hồi sinh tới ngày 7 thì được coi là hoàn toàn hồi phục.

Mùng 7 Tết là ngày Khai hạ, hạ nêu coi như mừng kết thúc Tết. Người ta lại làm lễ mở cửa rừng nơi rừng núi để dân đi lại vào rừng như thường lệ; làm lễ khai ấn ở các công thự quan lại và triều đình. Mọi sinh hoạt đời thường lại tiếp tục.

...............................................

(Theo GS.TS Nguyễn Trọng Đàn. 2011. Văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam. NXB Lao động - Xã hội)

Đan Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load