Chiều 27/10, hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã có buổi làm việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); thống nhất đề xuất phương án thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và khảo sát thực tế tuyến kết nối thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, dự án đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp; kết nối các khu vực lân cận và dọc tuyến để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này. Đặc biệt là sự phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và các khu du lịch quốc gia Mộc Châu khi điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi và các dự án khác được đầu tư. Cùng đó, kết nối các khu vực chính của 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La, thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là con đường độc đạo.
Theo quy mô dự án đầu tư xây dựng ban đầu, tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư PPP hỗn hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019, với tổng chiều dài toàn tuyến 85km; trong đó, có 49 km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 36 km địa phận huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La). Đây là dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư khoảng 22.294 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu phía tỉnh Sơn La và nhà đầu tư tiềm năng đã đưa ra những khó khăn về cơ chế chính sách khiến cho dự án buộc phải có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, qua tính toán mật độ phương tiện giao thông dự báo không cao, tuyến đường Quốc lộ 6 chạy song song, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng huy động vốn tín dụng thực hiện theo hình thức BOT toàn tuyến khó khăn ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, khả năng cân đối các nguồn vốn ngân sách Nhà nước bổ sung tham gia thực hiện toàn dự án (kể cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) trong giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn…
Chính vì vậy, theo ý kiến của tỉnh Sơn La và nhà đầu tư tiềm năng nên giảm quy mô dự án từ cao tốc xuống thành loại đường có tốc độ cao cho các phương tiện giao thông. Theo đó, toàn đoạn tuyến khu vực địa bàn tỉnh Sơn La sẽ được điều chỉnh và đầu tư vốn theo hướng dùng ngân sách Nhà nước trước mắt để đảm bảo thông tuyến giai đoạn 1, khai thác hiệu quả tuyến đường 35 km thuộc địa phận tỉnh Sơn La (bề rộng nền đường 13,5m).
Về phía tỉnh Hòa Bình cơ bản có 2 phương án để đấu nối với đoạn cuối của tỉnh Sơn La. Phương án thứ nhất, hướng tuyến sẽ từ thành phố Hòa Bình đến xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, sau đó có 2 cầu vượt hồ Hòa Bình đấu nối với điểm cuối đoạn tuyến của tỉnh Sơn La. Phương án thứ hai là điều chỉnh về phần địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ không đi qua huyện Đà Bắc mà chạy theo tuyến đường 435 từ thành phố Hòa Bình lên xã Ngòi Hoa, sau đó triển khai tiếp 25k m và đấu nối và điểm cuối của đoạn tuyến cuối trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đối với phương án này sẽ tránh được sương mù khu vực đèo Thung khe.
Tuy nhiên, tỉnh Hòa Bình nêu rõ quan điểm tuyến đường cần được triển khai theo hướng là đường cao tốc. Đồng thời cho rằng, nếu dự án đi theo trục đường 435 sẽ không đảm bảo về chất lượng khi hàng loạt xe tải trọng lớn đi qua đây. Ngoài ra, không phát huy hiệu quả đối với những địa bàn của huyện Đà Bắc và các vùng giáp ranh của tỉnh Sơn La...
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua thảo luận, lắng nghe ý kiến đại biểu hai bên, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn và Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông kết luận: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ có tỉnh Hòa Bình và Sơn La mà tương lai còn triển khai kéo dài tuyến đường cao tốc lên đến tỉnh Điện Biên. Ông Nguyễn Hữu Đông thống nhất vẫn triển khai dự án tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) theo quy mô cao tốc.
Về hướng tuyến, ông Nguyễn Hữu Đông đề nghị các đơn vị chức năng, nhà đầu tư tiềm năng khảo sát kỹ, tham mưu đảm bảo có tính khả thi, nghiên cứu cụ thể về điều kiện địa chất, xác định các điểm đứt gãy để lên phương án công trình cầu, hầm cho hợp lý, mang lại hiệu quả cao nhất. Làm rõ những đoạn tuyến, công trình sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn vốn thực hiện trình Chính phủ và trình các bộ ngành liên quan.
Theo Tin, ảnh: Thanh Hải (TTXVN)