(Xây dựng) – Vừa qua đã diễn ra Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chí Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ. |
Dự Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Điểm cầu Phú Thọ, đồng chí Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Ngày 6/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo, trong đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; công tác dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng, thống nhất quyết tâm hành động để triển khai thành công Đề án của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, do đó cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính đột phá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tổ công tác triển khai Đề án cần thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Các tỉnh, thành phố sớm thành lập tổ công tác triển khai Đề án cấp tỉnh, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện gắn với chương trình chuyển đổi số quốc quốc gia; huy động sự vào cuộc và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, ưu tiên, bố trí kinh phí phục vụ Đề án theo phương châm “hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”. Thời gian đầu triển khai Đề án sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn càng cần đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng để tìm ra những giải pháp phù hợp triển khai thực hiện tốt Đề án, tất cả vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Phùng Hằng
Theo