Thứ sáu 03/01/2025 01:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

TP.HCM: Xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp chống ngập

14:15 | 17/05/2016

(Xây dựng) - Hàng trăm ki-lô-mét bờ bao dọc sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh rạch đã được TP.HCM đầu tư cải tạo, do đó, tình trạng ngập lụt đã có chuyển biến. Tuy nhiên, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương của TP vẫn đang gấp rút triển khai những biện pháp chống ngập khi mưa lớn sắp tới và thực hiện chương trình giảm ngập ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2016 - 2020.


Một điểm ngập trên địa bàn Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Thực trạng ngập lụt tại TP.HCM

TP.HCM trước năm 1975 được quy hoạch với quy mô dân số khoảng 2 triệu dân, do đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với quy mô dân số. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm giải phóng, hiện nay dân số của TP đã trên 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên gấp hơn 5 lần.

Hiện hệ thống thoát nước của TP chủ yếu thông qua sông, kênh, rạch với 3.020 tuyến, tổng chiều dài là 5.075km. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, nên hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả, làm hạn chế khả năng thoát nước. Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa lấn chiếm kênh rạch cũng gây cản trở dòng chảy nên mỗi khi có mưa lớn lượng nước thoát không kịp gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi.

Để giải quyết vấn đề thoát nước đến năm 2020, ngay từ đầu năm 2001, TP đã xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và 5 lưu vực ngoại vi rộng 550km2 thuộc lưu vực Trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước khu vực trung tâm TP. Ngoài ra, rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, hành lang bảo vệ sông kênh rạch, xây dựng hồ điều tiết nhằm tăng cường không gian trữ nước cho đô thị... Tuy nhiên, tiến độ triển khai quy hoạch còn rất chậm do nhiều nguyên nhân.

Giải pháp trước mắt và giai đoạn 2016 - 2020

Xác định chương trình chống ngập là một trong những chương trình trọng điểm, TP.HCM đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác này. Chương trình chống ngập thực hiện với 6 nhóm giải pháp chính: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng, triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng; thực hiện các giải pháp chống ngập và từng bước xóa các điểm ngập; đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chống ngập trên địa bàn TP; tăng cường công tác hợp tác, nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác chống ngập. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác vận động nhân dân và giám sát các chương trình chống ngập trên địa bàn TP.

Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Khi xây dựng chương trình chống ngập thì Trung tâm đã tham mưu cho UBND TP xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp, tiến tới chống ngập được trong một thời gian dài. Công tác chống ngập phải nằm trong quy hoạch chung của TP và phải làm từng bước chứ chúng ta không nên thấy ngập ở chỗ nào thì chống ở chỗ đó”.

Trước mắt, TP huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ theo lưu vực thoát nước như vốn ngân sách, vốn ODA, vốn xã hội thực hiện theo hình thức PPP. Tập trung thực hiện các dự án thoát nước sử dụng nguồn vốn ODA với mục tiêu nạo vét, cải tạo rạch nội thành, xây dựng bổ sung hệ thống cống cấp 2 - 3; hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị; hồ điều tiết. Kết hợp chặt chẽ với các Chương trình đột phá, đặc biệt là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị và Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Long, giải pháp ngắn hạn được đưa ra là tiếp tục tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước, xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống bị hư hại, lún sụt, tiết diện nhỏ bằng các giải pháp kỹ thuật hoặc các dự án quy mô nhỏ; nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh rạch. Rà soát, bổ sung các van ngăn triều, xây dựng bờ bao bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng do triều cường trong khi các dự án lớn chưa hoàn thành.

Đồng thời triển khai các giải pháp trung và dài hạn như đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020, nhất là vùng Trung tâm, vùng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam và Tây như: Dự án Quản lý rủi ro ngập khu vực TP.HCM, trong đó, nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500ha. Cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 703ha. Xây dựng 07 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao, xây hồ điều tiết, cống kiểm soát triều... Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những biện pháp chống ngập hiệu quả.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load