(Xây dựng) - Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2020. Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành.
Cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (có so sánh, đối chiếu và đánh giá với các chuẩn của ngành); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành; khảo sát doanh nghiệp về tình hình kinh doanh, thị trường hoạt động, số lượng và chất lượng dự án… trong giai đoạn 2019 - 2020 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
Ảnh minh họa. |
Thị phần ngày càng bị chia nhỏ
Ngành Xây dựng sử dụng khoảng 4,3 triệu lao động trên 15 tuổi, phần lớn là lao động thời vụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 13,1%. Nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của doanh nghiệp. Vì vậy, ưu tiên số 1 của các doanh nghiệp chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dịch Covid-19 đầu năm 2020 được coi như một “thuốc thử” đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng nói riêng. Những doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh duy trì được thị phần, một số có thời cơ phát triển; ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh yếu hơn, bị thu hẹp thị phần, một số phải đóng cửa vì thiếu nguồn việc và không có lực lượng công nhân.
Chính vì thế, ưu tiên tiếp theo của các công ty trong ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng trong năm nay chính là giữ “miếng bánh” thị phần thông qua đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ dự án, công trình hiện có.
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn gia tăng khả năng chịu đựng trong khủng hoảng thông qua việc tăng cường năng lực quản trị tài chính. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp cần ưu tiên tối đa hóa dự trữ tiền mặt, tập trung vào đánh giá khả năng thanh khoản, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch với các điểm kích hoạt tương ứng cũng như các phương án ổn định kinh doanh, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi…
Song song với đó, các hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao tỷ lệ trang bị kỹ thuật trên lao động cũng được chú trọng. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn, và cũng quản lý, vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt với doanh nghiệp ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng sử dụng lực lượng nhân công đông đảo và điều hành các dự án trải rộng trên nhiều địa phương trong một khoảng thời gian dài.
Trong khi cả thế giới đã bước sang Cách mạng công nghiệp 4.0 với BIM (Building Information Modeling), VR (Virtual Reality), ECM (Enterprise Content Management)… thì doanh nghiệp Việt không thể cứ duy trì công nghệ thi công lạc hậu như cách đây 10 - 15 năm được.
Năng lực tài chính suy giảm
Nhìn vào báo cáo tài chính quý gần nhất của một số doanh nghiệp có tên trong Top đầu bảng xếp hạng, có thể thấy sự suy giảm mạnh về năng lực tài chính. Theo báo cáo tài chính của Coteccons, doanh thu quý I/2020 đạt 3.553,8 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận trước thuế giảm 34,6%, xuống còn 154,9 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Bình cũng ghi nhận doanh thu giảm 34,1% trong quý I, xuống 2.441,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18,9 tỷ đồng, giảm mạnh 87,8% so với cùng kỳ năm trước - ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất nhiều năm trở lại đây.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 cho biết, mặc dù doanh thu cả năm tăng 1,7% so với năm 2018 nhưng biên lợi nhuận gộp thu hẹp khiến lãi trước thuế chỉ đạt 526,9 tỷ đồng, giảm 33,7% và ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp giảm lợi nhuận kể từ năm 2017. Trong đó, mức lợi nhuận 2019 chỉ tương đương 50% năm 2017.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons năm 2019, doanh thu, lợi nhuận trước thuế cũng ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm với mức giảm lần lượt là 4,8% và 52,4% so với thực hiện 2018.
Lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng ngày càng giảm do tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, kết quả là doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm hoặc doanh thu giảm và lợi nhuận giảm sâu hơn. Chẳng hạn, với Vinaconex (VCG), lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 thấp hơn đến 50% mức đạt được trong năm 2017.
Lợi nhuận giảm trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn tại nhiều doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, khiến hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp vốn đã mỏng nay càng mỏng hơn. Kết quả năm 2019, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất bình quân của Coteccons là 4,3% và 8,6%, còn Hòa Bình là 2,5% và 11,8%, giảm đáng kể so với 2 năm liền trước.
Một số doanh nghiệp khác trong Top 10 dù ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2019 nhưng giá trị tuyệt đối thấp hơn nên vẫn ở nhóm thấp điểm nhất về tài chính. Công ty Phục Hưng Holdings (đạt 3.719,9 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 76,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,8% và 11,7% so với năm 2018), lãi trước thuế giảm 40,3% so với cùng kỳ, xuống 22,3 tỷ đồng; doanh thu giảm 12,8%, xuống 427,8 tỷ đồng.
Qua phân tích dữ liệu tài chính cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền với khoản phải thu ngày càng nhiều, nguồn tiền dự trữ có xu hướng suy giảm. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng quyết liệt hơn chính lợi thế cho các chủ đầu tư lựa chọn được doanh nghiệp có thực lực.
Mai Nam Sơn
Theo