(Xây dựng) – Ngày 1/7, theo Báo cáo về tình hình công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng/2022 ước tính đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 52,17 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Cụ thể, trong tháng 6 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 65,01 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,48 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 32,64 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 1,73 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% (tương ứng giảm 246 triệu USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng/2022 ước tính đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 52,17 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 27,37 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% (tương ứng tăng 24,8 tỷ USD).
Như vậy, trong tháng 6 cả nước ước xuất siêu 276 triệu USD. Tính đến hết 6 tháng/2022, cả nước ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6/2022 sơ bộ là 38.810 tỷ đồng. Tổng thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 226.588 tỷ đồng đạt 64,4% dự toán, đạt 61,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế VAT... Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng các loại hình tạm nhạp tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng, qua đó góp phần tăng điểm số Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Bộ Tài chính. Công tác cải cách TTHC của Tổng cục Hải quan tiếp tục được đẩy mạnh thông qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng cơ chế đến nguồn nhân lực theo hướng tạo thuận lợi, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quy trình xử lý công việc của đơn vị và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, triển khai vận hành Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tuệ Minh
Theo