(Xây dựng) - Chưa bao giờ năm từ đó vừa nghẹn ngào, vừa tự hào với tôi như thế. Như tiếng gọi sâu thẳm đâu đó cất giấu từ lâu nay muốn bật lên. Như tiếng nói tha thiết trìu mến của con giành cho Mẹ.
Ảnh minh họa. |
Lạ thế đó, ở Sài Gòn đã hơn ba mươi năm. Hai bàn tay trắng, mình bế đứa con thơ bập bẹ tập nói lần vào Sài Gòn. Sài Gòn cưu mang, cho cuộc sống ấm no, cho con cái trưởng thành, bao buồn vui sướng khổ đều nếm trải trên mảnh đất này. Vậy mà rồi chỉ dồn nhớ thương vào mỗi trang viết cho quê hương cũ. Cho những vùng đất kỳ thú xa lạ nào đó nơi mình đi tìm những thú vui lúc thanh nhàn. Cũng nhiều lúc tự vấn mình: Sao Sài Gòn không phải là quê hương? Sài Gòn có cho mình là người Sài Gòn không? Sao mình không viết những điều yêu thương cho Sài Gòn dễ dàng được?
Và rồi, những tháng ngày dịch bệnh tràn phủ lên mọi góc thành, tôi mới vỡ lẽ ra một điều: Sài Gòn chiếm vị trí thật lớn, như vị trí Mẹ trong lòng mình. Mình đã đối xử với Sài Gòn như khi ở với Mẹ. Cứ nghiễm nhiên thụ hưởng những thứ Mẹ giành cho, không cần lời cảm ơn khách sáo, như sợ nói lời ngọt ngào với người ruột thịt sẽ ngượng mồm, sến súa... Những ngày ngồi nhà qua hai lệnh giãn cách, lòng nhớ Sài Gòn, nhớ phố đến ngẩn ngơ.
Nhớ đủ thứ không thể tả hết ra được. Phải gọi cho cô bạn: “H. ơi, đến chở chị lượn một vòng Phố qua cửa kính nhé. Chị nhớ Phố quá”. Ai ngờ, H. cũng bảo: “Ui, em cũng nhớ Phố quá, em vừa lượn thăm Phố về đây”. Rồi H. ship cho tôi một mớ ảnh những góc Phố quen thuộc thương yêu của chúng tôi mà H chụp qua kính xe ôtô.
Đường phố vắng lặng đến thảng thốt. Thấy thèm một quãng kẹt xe, thấy thèm một quầng bụi quẩn đặc trưng của Sài Phố. Thấy thèm một buổi đu đưa cùng đám bạn tán dóc cafe. Nhớ nỗi tự hào của mình khi đưa bạn bè từ các miền đến với Sài Gòn, giới thiệu về “Thành phố của mình”. Hóa ra từ trong tiềm thức. Sài Gòn đã là lòng Mẹ. Là nơi bình thường mình không giành những lời ngợi ca khách sáo. Nhưng rời xa ít bữa là muốn quay về. Là nơi cuối mình muốn ở lại.
Hôm qua trước lệnh phong thành theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố. Các bến xe, nhất là xa cảng miền Tây đã kẹt người “về quê”. Đấy là những người chọn Sài Gòn làm nơi mưu sinh.
Còn mình, Sài Gòn thực sự là quê, người thân mình ở đây, bạn bè mình ở đây. Mình muốn sống chết cùng Sài Gòn, muốn sẻ chia với Sài Gòn từng nỗi đau.
Những ngày thực hiện giãn cách, thấp thỏm đợi từng tin dịch bệnh, xa xót từng lệnh phong tỏa chỗ này, chỗ nọ. Và mình phát hiện ra một điều: Nghe dịch bùng phát khu vực nào trong thành phố, dù những quận xa nơi mình ở như: Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi, quận 8, Bình Điền... mình hình dung ra góc đó ngay. Hóa ra, mình đã thân thuộc thành phố mình tự bao giờ... Hình như rất lâu rồi. Để giờ đây nỗi đau quen thuộc như vết đau từng bộ phận trên thân thể.
Nơi mình ở chung cư sát Xa lộ Hà Nội và Đại lộ Mai Chí Thọ. Hồi đầu cứ ngắm cung đường qua cửa nhà mình thưa thớt xe qua lại vì dịch bệnh. Đêm đêm không còn hình ảnh đoàn xe rì rầm ồn ã. Ánh đèn đường treo lơ lửng trên hàng cột điện bơ vơ cô độc lạ lùng... Rồi tiếng còi hú xin đường xao xác xé màn đêm, xiên trong nắng, tăng dần... Cảm giác về một dự cảm lo lắng tăng dần... bứt rứt, ám ảnh. Con cái vẫn phải đi làm. Trường học đóng cửa. Một mình kiêm đủ việc nhà không tên cùng chăm sóc hai cháu nhỏ, bao việc, vậy mà không thể nào rứt ra khỏi ám ảnh của tiếng còi xe cấp cứu xin đường.
Mình hốt hoảng, hình dung thành phố đầy cướp, thành phố đang bốc cháy khắp nơi... Bứt rứt đến muốn gây sự vô cớ. Bảo với con: “Hình như mẹ bị trầm cảm?”. Con cười: “Mẹ nghĩ mẹ trầm cảm, nghĩa là mẹ chưa sao”.
Mình chợt tỉnh. Ừ nhỉ! Thành phố mình đang bệnh, như cả nước mình, cả địa cầu cùng chung một kẻ thù. Mình đã từng chia sẻ với thành phố mình qua ba mùa dịch. Đã từng chia sẻ với bạn bè, đồng bào tỉnh bạn khi họ bị giặc Covid xâm lấn mạnh như: Đà Nẵng, Bắc Giang. Sao giờ thành phố mình trọng thương, mình lại tuyệt vọng. Mình là dân Sài gòn cơ mà. Mình phải vùng đứng lên góp sức cùng quê hương chống giặc chứ.
Và kỳ lạ thật, mình như tự giải thoát cho chính mình vượt qua ám ảnh. Mình không còn thấy tuyệt vọng khi ngắm thành phố im lìm vắng vẻ. Không còn hốt hoảng khi nghe tiếng còi rú xin đường. Mình biết sau vẻ khép mắt của Phố là quê hương đang gồng mình chiến đấu theo lệnh của Chính phủ. Không ai bỏ rơi mình, không ai bỏ rơi phố. Sau tiếng còi xe là một thành phố đang thức thâu đêm với những lực lượng hy sinh thầm lặng. Những đôi mắt thâm quầng, những cuộc họp khẩn cấp thâu đêm tìm đối sách chống dịch của lãnh đạo thành phố. Những Bệnh viện không ngủ. Những lực lượng Bộ đội; Công an, dân phòng, tình nguyện viên không ngủ. Để cho mỗi một gia đình hiểu là lúc này đóng cửa ngủ yên trong nhà cũng là yêu nước. Chưa bao giờ những thuật ngữ: Khoanh vùng, truy vết, cách ly, phong tỏa… lại trở nên quen thuộc đến thế.
Mình lấy lại tâm thế thăng bằng như mỗi lúc gặp sóng gió cuộc đời: Đó là chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách vượt qua.
Mình thức ngộ việc chấp nhận hoàn cảnh và tin tưởng vào một ngày thành phố sẽ yên bình. Ngày mai trời lại sáng, bình minh lại rực rỡ trên phố Sài Gòn. Sài Gòn lại náo nhiệt như đã từng.
Vi-rút Corona ba đầu sáu tay rồi cũng sẽ quy hàng với sức chiến đấu của loài người như: Đậu mùa, phong cùi, HIV... Mình không còn bức bối khi bắt gặp đâu đó trên mạng những chỉ trích khắt khe không thiện chí về Sài Gòn của mình nữa. Sài Gòn vốn bao dung mà. Mình là dân Sài Gòn, tự bao giờ đã ngấm phong cách hào sảng bao dung của mảnh đất này.
Nhớ mùa dịch đầu, mình cùng con cháu góp người góp sức cùng nhau sản xuất 10.000 nón chống dịch tặng ngành Y thành phố. Lần này, vì mức độ nguy hiểm của biến chủng Covid-19. Ở nhà cũng là chiến đấu. Nhưng mình vẫn âm thầm gom góp cả tấn gạo cùng bạn bè đó đây gửi tới các bếp cơm từ thiện và những mảnh phố đói cơm mùa dịch. Người Sài Gòn đâu thể không tự cứu nhau. Những dòng chia sẻ kết nối như mạch ngầm yêu thương lan tỏa khắp thành phố. Phố chăng dây nhưng lòng người Sài Gòn không chăng dây. Sài Gòn phong tỏa để khống chế giặc dữ chứ không thể phong tỏa tình người. Lúc này người Sài Gòn gần nhau hơn bao giờ hết. Những sẻ chia thơm thảo giành cho nhau của người Sài Gòn làm mình càng tự hào mình là người Sài Gòn.
Cả nước đang hướng về Sài gòn, cùng sẻ chia những thắc thỏm, sẻ chia những lời động viên ấm lòng. Từ 5h sáng nay, Sư thầy Tịnh Quang, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Daklak gửi cho mình hình ảnh Sư thầy cùng các Phật tử chuẩn bị xe rau củ hàng hóa tiếp viện cho Sài gòn. Những hình ảnh thật ấm lòng cho dân Sài Gòn. Những tin nhắn gửi gạo cho Sài Gòn của những người bạn gần xa chắt chiu từ cuộc sống, càng làm mình tự tin. Sài Gòn không đơn độc, Sài gòn đang được yêu thương.
Các bạn bốn phương ơi. Mình muốn nói với các bạn: Chúng tôi! Người Sài Gòn, kiên cường, hào sảng, bao dung, chúng tôi sẽ vượt qua đại dịch. Chúng tôi sẽ lại đón các bạn đến Sài Gòn hoa lệ vào một ngày mai tươi sáng với phong cách dân Sài Gòn.
Hoa Mai
Theo