Lãnh đạo Ngân hàng (NH) Agribank bảo tôi: Đi phía Nam, anh ghé qua chi nhánh Agribank Hóc Môn của TP.HCM, có nhiều chuyện đáng nói đấy! Điều đáng nói phải chăng là chuyện ông Chủ tịch huyện Hóc Môn Tám Khỏe một thời làm mưa làm gió trong buông lỏng quản lý đất đai. Ông Chủ tịch huyện tự đánh mất mình, gây tai tiếng, giờ đã bị pháp luật nghiêm trị. Chuyện buồn lùi về dĩ vãng. Đất Hóc Môn với nữ chủ tịch huyện Văn Thị Bạch Tuyết được TP điều về chỉ đạo kinh tế khá năng động, đang quyết tâm xây dựng một Hóc Môn nhanh chóng, vững vàng trên đường xây dựng nông thôn mới!
1. Hóc Môn giờ là huyện ngoại thành đang chuyển động nhanh. Người làm NH Agribank “đứng chân” trên đất này càng phải đi trước đón đầu, hướng đồng vốn của mình vào các mũi nhọn kinh tế của huyện ngoại thành này. Giám đốc Lưu Xuân Cường quê xa tít tận Vũ Thư (Thái Bình), chả hiểu duyên nợ chi mà ông gắn bó với nghiệp NH ở đất phương Nam này đã 38 năm? Trưởng thành từ anh cán bộ tín dụng, qua từng cấp bậc, rồi đảm trách nhiệm vụ giám đốc NH Nông nghiệp Hóc Môn từ năm 1997 đến giờ. Ông giám đốc bảo: Tháng 10/2013 là nghỉ hưu, ông sẽ bàn giao công việc cho một cán bộ kế cận rất trẻ tiếp tục việc đồng hành với người quê, đem đồng vốn NH góp sức cho đất quê Hóc Môn này. Cuộc đời như mưa bay gió cuốn, nhanh thật! Ông mỉm cười hiền khô: Nghỉ hưu khi NH đã có trụ sở khang trang không còn phải đi thuê, có đội ngũ cán bộ trẻ có nghề…
Thoáng một chút như nghĩ về thời tuổi trẻ từ quê lúa “5 tấn Thái Bình” vào đây khởi nghiệp. Ông bộc bạch: Đồng tiền trong hoạt động NH vốn nhiều nhạy cảm, lại đứng chân nơi ngoại vi TP đông dân nhất nước, năng động nhất nước, người làm NH có bề dày thâm niên như ông hiểu rõ mười mươi, trải đủ vui buồn. Đâu đã quên cái vụ Epco của mấy “đại gia” Phạm Huy Phước, Phạm Nhật Hồng, Liên Khui Thìn làm khốn khổ các NH. Bây giờ nợ xấu NH lại bị mấy tập đoàn kinh tế và DN lớn quây quả vay vốn NH đầu tư ngoài ngành loạn lên. Mấy “đại gia” thủy sản Bình An, Phương Nam… ôm vốn NH đang ỳ ra. Rồi các DN làm BĐS, chứng khoán chả hiểu tư duy thế nào để cho các NH đang “gánh” cả “núi” nợ xấu quá nặng, làm mất uy tín của những người làm NH làm ăn chuẩn mực. Đa đoan đủ chuyện, nhưng nhìn lại, ông giám đốc thấy mừng không bị những vị khách sang trọng nói “trên giời, dưới đất”, với dự án kêu như “chuông khánh” kéo vào tròng. Không bị những “ông giời con” BĐS, chứng khoán cuốn theo chiều gió. Giám đốc Lưu Xuân Cường thật lòng rằng: Agribank Hóc Môn từ trước đến nay “chỉ chơi” với nhà nông, đồng hành với nhà nông, nên 80% đầu tư cho vay là dành cho người quê, đất quê Hóc Môn này.
Phải là một chi nhánh NH làm ăn bài bản, có đội ngũ người làm NH trên dưới một lòng nên trong sóng gió của cơ chế thị trường, trong vòng xoáy của đồng tiền, vẫn vững vàng hướng đồng vốn NH đi đúng dòng, đến đúng tay người nông dân cần vốn.
2. Vòng vèo những con đường quê, chúng tôi đến trang trại nuôi heo của gia đình ông Chu Quang Dũng ở xã Nhị Bình. Ngôi nhà xây không đài các cao sang, nhưng ông chủ trang trại nuôi heo có tiếng ở đất Hóc Môn là con người năng động. Vào đến sân nhà, chúng tôi phải đứng chờ, vì ông đang mải việc ở trại heo.
Ông chủ trại heo Chu Quang Dũng.
Đến khi ngồi với ông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bây giờ ông đã là chủ trại heo mấy nghìn con, chứ khởi nghiệp lại là anh “giết mổ heo” cung ứng cho các chợ khắp TP.HCM. Thời ấy nhà ông ở Q.Gò Vấp, cứ mỗi ngày giết mổ 200 con heo. Khách buôn đến lấy thịt heo của ông rải đi các chợ chẳng mấy người không biết tiếng “Dũng giết mổ”! Có những dịp Tết chỉ mười ngày, mỗi ngày giết mổ vài trăm con heo ông bỏ túi 300 triệu đồng. Chúng tôi nghe mà giật mình:
- Mỗi ngày thu 30 triệu!
- Giỡn các anh làm chi… Nhưng cái nghề giết mổ heo cũng lắm nỗi đó. Chỉ những người làm nghề mới hiểu.
- Sao ông chủ không tiếp tục “hành nghề” hái ra tiền ấy!
- Hái ra tiền, nhưng có phải 365 ngày một năm, ngày nào cũng Tết cả đâu, nhiều khi cũng méo mặt chứ mấy “ảnh”!
Nói méo mặt, nhưng ông chủ lại rộng nụ cười: Làm ăn cái gì cũng có thời. Ôm mãi cũng chả được đâu, có khi lại mất nghiệp như chơi!
- Thế ông chủ mới quay nghề mới sang chăn nuôi?
- “Hổng” phải vậy, nhưng lại là vậy đó!
Ông chủ giọng thong thả. Chuyện là thế này: Khu đất gia đình tôi trên Q.Gò Vấp bị quy hoạch. Lang bang đi kiếm đất khắp nơi, chả hiểu trời xui đất khiến thế nào, vợ chồng tôi dừng chân ở xã Nhị Bình - Hóc Môn này. Ngày dọn đến đây heo hút lắm. Phải mở lấy lối mà vào. Đường đi khó, heo hút xa vời, nhưng được cái đất bao la. Tôi bỏ bạc tỷ mới có cả 6 công đất này. Đất trũng sình lầy, vợ chồng phải lăn lưng thuê san gạt. Phải bao công sức, mồ hôi tôn nền mới có cơ ngơi này. Tính coi: Có đến cả ngàn chuyến xe ôtô lớn nhỏ đêm ngày chở đất đắp nền. Rồi bao vốn liếng đổ vào, khi hai vợ chồng đồng lòng chuyển sang nuôi heo. Năm đầu chỉ làm một dãy chuồng mà cũng “ngốn vào” đó 450 triệu đồng chứ đâu ít. Rồi cứ theo đà mở rộng dần, giờ đây ông chủ Chu Quang Dũng đã có 4 dãy chuồng nuôi heo, với hệ thống tiêu nước thải, hệ thống xử lý Biogas khá chuẩn với 200 triệu đồng ông bỏ ra, cùng với 100 triệu đồng TP.HCM hỗ trợ. Vì trại heo của ông thuộc diện được Sở Nông nghiệp thành phố xếp hạng chăn nuôi bài bản.
Tích cóp dần mới có được cơ ngơi này đó, chứ tính vật giá bây giờ, bỏ ra làm cái trang trại nuôi heo này phải cả chục tỷ đồng. Ông chủ tổ chức nuôi cả đàn heo 2.000 con khá công phu. Cứ một năm hai lần xuất chuồng, ông bảo lo chạy giống sao nổi. Thế nên ông dành hẳn một khu chuồng nuôi tới 120 con heo nái. Chủ động giống tại chỗ, ông thực hiện nuôi gối sóng, tính toán thời điểm heo được giá vào Tết và sau Tết có heo xuất chuồng. Đưa chúng tôi đi thăm trại heo, ông Dũng chỉ đâu là heo sắp bán, đâu là heo chuẩn bị cho Tết. Còn 400 con trong dãy chuồng kia là bán sau Tết đó. Các anh nghĩ coi: Cũng phải tính giá thịt heo sau Tết bao giờ chả nhích lên, làm ăn mà…
Mới hay, nhà nông bây giờ đâu chỉ có lam làm, mà còn phải trí tuệ và sự nhanh nhạy nữa. Tiếp tục câu chuyện, ông chủ trại heo trải lòng rằng: Mấy năm trước, nuôi heo càng lớn càng trúng. Nhưng ba cái vụ “ì xèo” heo tai xanh tai đỏ, ông cũng bị vạ lây mất đứt mấy trăm triệu đồng. Ai hay cũng vì cái vụ lợn dính dịch tai xanh đẩu đâu mà không ít trang trại nuôi heo lâm nạn. Giá heo rớt thảm hại, mà còn trẩy vẩy, xước da không bán được. Nhưng ông chủ mỉm cười: Làm ăn, ai chả mơ thuận gió xuôi buồm. Cơ cảnh nhà nông thì vui cũng lắm, mà buồn cũng đâu ít. Chả giấu gì, mấy năm chăn nuôi khi giá thức ăn không tăng chóng mặt như hiện nay, gia đình tôi bỏ túi mỗi năm bạc tỷ đâu có khó. Ba năm lại đây thì nghề chăn nuôi heo hơi bị oải. Heo rớt giá, mà thức ăn thì từ đầu năm đến nay đã tăng tới mấy lần. May mà trại của tôi mua nguyên liệu về tự chế biến lấy nên bớt đi 10%, chứ không còn gay go nữa. Tháng trước xuất cả ngàn con heo. Thị trường giá thế nào, khách vẫn mua của tôi cao hơn vài giá, vì đàn heo tôi nuôi tỷ lệ nạc nhiều hơn. Giá ấy, tính ra năm nay còn lỗ vài trăm triệu đồng, cháy lòng, xót lòng lắm chứ đâu chuyện chơi. Tôi vay NH Agribank Hóc Môn 2,5 tỷ đồng, bán lứa heo được 2,6 tỷ, trả bớt NH 2 tỷ, còn kinh doanh tiếp. Phải tính “cú ngoạn mục” chớp thời cơ Tết đến, rồi sau Tết giá heo kiểu gì cũng vụt lên, tôi sẽ “đón đầu” bù lại. Ông chủ trại heo nở nụ cười tự tin.
3. Chia tay ông chủ trại heo, chúng tôi đến thăm trang trại làm hoa lan của ông Trần Văn Xê ở xã Xuân Thới Sơn. Càng mừng cho NH Agribank Hóc Môn đã hướng đồng vốn của mình luôn chảy đúng dòng. Trò chuyện cùng ông Xê ngay trang trại hoa lan ông đang dày công chăm sóc chuẩn bị bán vào dịp Tết Giáp Ngọ tới, mới thấy nghiệp trồng hoa quả lắm công phu.
Ông chủ trại hoa lan Trần Văn Xê.
Ông Xê từng tham gia lãnh đạo chủ chốt của xã cả hai chục năm liền. Ba khóa phó chủ tịch, hai khóa chủ tịch xã. Ông kể: 3.500m2 đất kề mặt đường trước đây ông trồng cỏ nuôi bò sữa. Ấy là cái thuở nuôi bò sữa nhiều người mơ. Bởi con bò sữa ngày đó chỉ đẻ một con đã có giá cả cây vàng! Nhưng rồi, sữa bò nuôi chả ai xài, bán quá rẻ. Bò sữa bán đi không bằng bò thịt. Mộng nuôi bò sữa trên đất Hóc Môn tan thành mây khói, không ít người tan gia bại sản. Thế là ông Xê quay ra mở trại trồng hoa lan. Ông học “ké” lớp học về nghề trồng lan của TP.HCM mở. Ai ngờ, cái nghề nó hút ông đến lạ. Từ buổi đầu ông quyết định bán một miếng đất 450 triệu đồng, vay NH Nông nghiệp Hóc Môn 450 triệu đồng, tất cả dành đầu tư để làm hoa. Lúc nào cũng bên hoa, nghĩ về hoa. Có đêm ông Xê thức đến 2 - 3 giờ sáng để tìm hiểu về hoa lan Mokara của Thái Lan với hai màu đỏ, tím. Rồi ông mày mò nghiên cứu tìm gặp các thầy giáo, các chuyên gia về hoa lan, các “vua” trồng lan có tiếng khắp vùng với mơ ước lai tạo bằng được cái hương thơm tuyệt vời từ lan rừng vào với hoa lan Ngọc điểm của Thái mà ông đang trồng. Trời không phụ công người, khi ông mạnh tay đầu tư tới 500 triệu đồng cho việc cấy ghép mô hoa lan. Ông Xê bật mí: Hơn 3.500m2 phải tính làm lan giống mới ra tiền! Mới hay gần chục năm nay, năm nào ông cũng thu từ hoa lan 700 - 800 triệu đồng. Có năm cả tỷ đồng như năm 2008. Vay NH để khởi nghiệp nghề hoa lan, ông càng gắn bó với NH Agribank Hóc Môn. Mừng thay, NH này bao giờ cũng biết đồng hành, tiếp sức cho những nhà nông có chí: Dám làm, biết làm giàu như ông Xê!
NH Agribank Hóc Môn nằm cận kề trong “vòng xoáy” của cho vay BĐS, cho vay chứng khoán, mà không bị cuốn vào. Nguồn vốn huy động khá tốt, chả kém gì các chi nhánh “đàn anh”. Mừng là đồng vốn đầu tư của Agribank Hóc Môn luôn chảy đúng dòng, luôn hướng về kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mừng hơn thế, là đội ngũ 90 người làm NH của chi nhánh đoàn kết, hiểu nghề, nhanh nhạy và trách nhiệm, gắn bó với khách hàng. Thành công của Agribank Hóc Môn còn là biết chọn đúng khách hàng làm ăn cơ chỉ để rót vốn vào. Không chỉ các gia đình nông dân, mà với các DN vừa và nhỏ, vốn NH cũng góp phần nâng bước. Như Cty Minh Khang, như Cty chế biến thức ăn gia súc Việt Phương SXKD hiệu quả. Cty Việt Phương đã có thời từng quay sang với NH CP khác. Nhưng rồi lại quay trở về với Agribank Hóc Môn, vì thấy không thể có được sự ân tình, tạo thuận lợi như NH Nông nghiệp Hóc Môn. Đồng vốn NH khi trao đúng tay người cần vay biết làm ăn, trọng chữ tín, thì đó là hạnh phúc của người làm NH trong ào ạt của cơ chế thị trường cạnh tranh rát bỏng! |
Đỗ Quang Đán
Theo