Thứ ba 10/09/2024 10:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Tín dụng cho “tam nông”: Hạnh phúc đời người!

14:04 | 15/10/2013

Nghe nhiều người nói đến tên ông Năm Lương làm ăn giỏi giang từ lâu. Lần nào vào với vùng đất phía Nam tôi cũng mong được gặp ông để mục sở thị một con người tôi đã nghe  kể về ông như huyền thoại. Nhưng ông cứ như cánh chim trời nay đây mai đó. Lần, thì ông vừa lên rừng cao su Bình Phước. Khi, thì ông lại lỗi hẹn vì có công chuyện gấp ở Đà Lạt. Chưa gặp, nhưng cứ nghĩ về một ông già đã ở  tuổi “thất thập” mà còn lăn lộn, vẫn còn ham làm ăn, say mê với làm giàu càng thôi thúc tôi phải gặp ông bằng được.


Ông Năm Lương

Ông Năm Lương giờ đang ngồi với tôi đây. Dáng vóc vạm vỡ, sở hữu nước da đỏ au, nụ cười rộng mở.

- Anh muốn nghe chuyện tôi ư? Có thể nói điều gì với nhau đây. Thì cứ “nhậu tuốt luốt”, nhậu thiệt tình rồi chuyện chi có hết, nhậu mới ra chuyện được!

Ông Năm Lương làm tôi ngay phút giây đầu gặp đã ngạc nhiên vì cái chất “Nam bộ” trong ông. Ông quê ngoài Nghệ An chứ đâu phải ở Hiệp Phước - TP Biên Hòa - Đồng Nai này, nhưng con người thì đầy chất Nam bộ. Như hiểu băn khoăn của tôi, Năm Lương cười vang:

- Cuộc đời tui đến cái tuổi “thất thập ”này nhìn lại mới hay trời chả phụ ai. Trời không biết phụ, nhưng chớ có làm lệch ý trời…

- Ông chủ nói thế là sao?

Lại nụ cười hết cỡ:

- Thì phải đặt cái tình đời, tình người lên hết thảy.

Trầm ngâm như ngoái nhìn về quá khứ xa xôi, ông cứ như tự sự với chính mình:  Như cuộc đời tôi đây đi lên từ tay trắng, từ khó nghèo đó. Nói thật, dễ chả ai khó nghèo hơn Năm Lương này đâu. Thì thời trai trẻ quê Diễn Châu (Nghệ An) anh còn lạ chi cả làng nghèo, nghèo như nhau, nghèo giống hệt nhau. Nghĩa là ai ai cũng thiếu cơm ăn, áo mặc. Đất nước lại ngập trong bom đạn, tuổi trẻ ra trận hết. Năm Lương tôi cũng ba-lô trong đoàn quân vào với tiền tuyến đó anh. Đánh giặc khắp các chiến trường, tung hoành cả trên rừng Trường Sơn xuôi về đồng bằng mà bị thương sơ sơ, vẫn còn vẹn nguyên một Năm Lương thế này là trời cho đấy.

- Trời cho cả cái cơ ngơi bề thế và cái tiếng “đại gia” tiền bạc xông xênh, nhà bao la, đất bạt ngàn…

Ông Năm xua tay:

Đâu có! Ai mơ ”đại gia”, chứ Năm tôi chả mộng. Cuộc đời quăng lên quật xuống quá đủ rồi. Và, những gì “giời cho” cũng là quá đủ, mơ chi, ước chi nhiều nữa…

 Lại thêm ngạc nhiên về con người lão tướng Năm Lương. Bởi, ở đời sự giàu mấy ai biết đến điểm dừng. Quả là lão tướng Năm Lương với cái tuổi 74 này đã rất giàu. Ông giàu lên từ tay trắng, từ nghị lực vượt khó, từ cái chắt chiu lam làm đặc quánh chất người xứ Nghệ...

 Cuộc đời, ông bảo đến chính ông cũng chả ngờ. Sau năm 1975, ông chuyển ngành sang kinh doanh lương thực “đầu  quân” cho bà giám đốc Ba Thi nổi danh lo gạo cho TP.HCM với đủ truân chuyên thời đất nước khó khăn. Ngang dọc các vùng quê của đồng bằng sông  nước Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ, ông hiểu tiềm năng và cơ hội để giàu lên được lắm. Đất đai bạt ngàn, màu mỡ, con người chân chất hào phóng như nắng, như gió phương Nam. Rồi ông quyết định rời cơ quan Nhà nước ra ngoài nuôi chí làm giàu! Rời biên chế Nhà nước khi ấy là để tuột tay cả mớ tem phiếu không phải ai cũng dám làm. Nhiều bạn bè bảo ông khùng, điên, dại dột... Nhưng ông nghĩ khác. Bám vào Nhà nước là chấp nhận sự bình lặng, điều này không hợp với tính cách của ông. Quyết là quyết,  không nấn ná tiếc nuối cái chi. Chí này, sức trai này, giữa nơi đất bao la thoáng đạt này sao có thể nghèo?


Vợ chồng ông Năm Lương.

Đúng là cái nghèo không thể ghì chặt người có chí như ông. Nhưng buổi đầu ra khỏi biên chế cũng đủ truân chuyên... Giọng ông Năm Lương như chùng xuống khi ông kể cho nghe về cả tháng ăn không ngon, ngủ không tròn giấc nghĩ gia cảnh nhà đông anh em, ba mẹ thì tít tắp ngoài quê quá nghèo kia. Ông đã tính đến phải đi buôn. Nhưng nhìn cảnh nhiều người từ thành phố bươn bả về vùng lúa miền Tây mua mươi cân gạo về mà thuế vụ, quản lý thị trường xét hỏi tịch thu thì buôn cái gì cho được. Tôi nhìn khóe mắt ông chủ như ngấn lệ.

Cái thời ngăn sông cấm chợ ấy cực quá. Bây giờ nghĩ lại còn như sợ rét run. Ảnh biết không, “cái khó ló cái khôn”, tôi nảy ra ý tưởng mở trang trại chăn nuôi. May mà thời ấy đất đai bạt ngàn, người có đất như vừa bán vừa cho. Mình là con nhà nông, nên chăn nuôi, trồng cấy chẳng ngại. Nhưng vốn liếng không nhiều, thôi thì đành “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Tôi dồn góp rồi vay mượn bạn bè, họ mạc ngoài Bắc mỗi người một chút. Chuồng trại dựng lên, mới đầu cũng chỉ dám nuôi vài chục heo, mấy chục con gà. Thực phẩm ngày ấy quý hơn vàng, nên khi bán lứa heo, lứa gà tôi thu lời khá. Cũng là bõ công những đêm ngày lặn lội lên rừng mua sắn, mua ngô, những ngày vợ con “quay” trong chăn nuôi mới có được. Cứ thế, lứa này bán đi lại nuôi “gối sóng” lứa kia. Anh biết không có lúc Năm Lương nuôi tới vài ngàn con heo đó. Người quanh vùng tặng cho Năm tui cái tên “vua heo” mới sướng cái bụng chớ. Chăn nuôi mà giàu lên cũng bởi đứng chân ở đất Đồng Nai này sát với thành phố đông dân nhất nước, nên “đầu ra” nhẹ tênh. Thương lái họ đến tận chuồng mua chả bận chi. Anh tính nếu chăn nuôi lớn phải đi tìm mối bán  như bây giờ có mà “nuôi cò” cũng oải! Rỉ rả chuyện Năm Lương đổi đời từ nuôi heo càng nghe càng cuốn hút. Bỗng ông Năm Lương dừng lời kéo tay tôi:

- Nhậu với nhau cái đã, rồi ta chuyện tiếp. Nhậu mới thêm “nỏ chuyện” về Năm Lương. Nhưng ảnh viết gì, nói gì chớ nói bạc tiền giàu có làm chi kẻo đời lại bảo Năm tui khoe mẽ.

 Chuyện với lão tướng Năm Lương sau mấy cái cụng ly cùng cụ thân sinh và bà vợ theo ông suốt những thăng trầm của đời người như càng đằm hơn, rôm rả hơn. Ông chủ quay sang hỏi tôi: Anh đi khắp cả nước chắc biết nhiều người làm ăn phát đạt. Nói gì cứ  phải cảm ơn cái sự đổi mới hội nhập của đất nước mình đó. Không có đổi mới thì cuộc đời Năm Lương làm chi được thế này? Nhưng hạnh phúc nhất, cái quý hơn cả bạc tiền với tôi, anh biết là gì không? Giọng ông như chậm lại: Là cụ thân sinh ra tôi đây đã 106 tuổi đó. Làm gì tôi cũng nhớ về cụ. Chả biết còn được bao lâu, nhưng nhờ giời tôi chỉ mong cụ tôi sống mãi cùng cháu con. Chẳng mơ tiền lắm, bạc nhiều làm chi. Cái gì cụ tôi thích tôi sắm liền. Đi đâu về tôi chỉ thích được ngồi nhâm nhi chén rượu, tỷ tê với cụ bao chuyện lẽ đời hôm qua, hôm nay. Không  hiểu có phải trẻ thì nghĩ về tương lai, còn già thì toàn “xài ba cái chuyện” quá khứ xa xưa mà chả bao giờ ông con tôi hết chuyện. Thôi thì cái tình cha con “phụ tử” cứ như câu chuyện dài “nhiều tập ” mà anh! Ông chủ Năm Lương cười vang: Cạn với nhau ly này tôi kể cái chuyện sướng nhất đời tôi cho nghe.


Trại chăn nuôi của ông Năm Lương.

- Chắc là chuyện tình xưa! Tôi buột miệng.

Ông Năm Lương xua tay giọng hóm hỉnh: Chuyện tình với Năm này đâu thiếu, nhưng kể chi chỗ này. Ông liếc xéo sang bà vợ ngồi bên.  Nói thế cho vui, chứ cái “tình tang” thì tôi chỉ với duy nhất “bà nhà” này thôi.

- Vậy chuyện chi?     

- Chuyện hạnh phúc đời người! Tôi chắc chả ai có được cụ tôi còn sống khỏe bên cháu con ở cái tuổi “đại lão” này. Còn cái sự sướng thì không mấy ai có được cái sướng như Năm Lương: “Đánh xe ra biển mua con cá tươi về nướng bố con cận kề bên ly rượu nhâm nhi  hàn huyên đủ chuyện đời. Nhưng sướng nhất với Năm tôi anh biết là gì không? Là mỗi lần tắm cho cụ thân sinh, Năm tôi được cụ cho kỳ lưng. Ôi cái tình phụ tử cha con  còn có gì sướng hơn. Thật sướng, tuyệt vời sướng! Năm Lương cười ha hả…

Đúng là hạnh phúc cuộc đời giản dị đơn sơ thế mà dễ ai cũng có được?.

 Hạnh phúc nào hơn? Ấn tượng của tôi với ông chủ Năm Lương không phải là sự giàu có  mà ông đang cầm trong tay với vài chục hecta cao su, cà phê trên núi rừng Bình Phước, Đà Lạt. Không phải ở cơ ngơi bề thế với trang trại nuôi heo, nuôi nhím, với những ao cá cả vùng biết tiếng. Lại càng không phải ông thu về  nhiều tỷ bạc mỗi năm, mà là cái tình đời, tình người trong ông, là đàn con hiếu thảo, làm ăn chỉn chu, là một doanh gia luôn giữ chữ tín trong mối quan hệ với NH Agribank Biên Hòa. Ông Lương bảo: Lúc tôi khó thì NH Nông nghiệp giang tay đỡ tôi. Nhưng khi làm ăn được, tiền thu về là tôi gửi lại NH cả đó. Tiền gửi NH của tôi nhiều hơn tiền vay đó anh!

Một con người lúc nào cũng ắp lẽ đời tri ân như ông Năm Lương thật quý. Tôi cứ mừng cho chi nhánh NH Agribank Biên Hòa có được những khách hàng như ông.  Đến cả chuyện ông kéo cô con dâu tốt nghiệp đại học đang có việc làm ngon lành trên TP.HCM về lo điều hành DN của nhà. Ông bảo với con dâu: Ba già rồi giao cả cho vợ chồng con làm tiếp. Hơn thế con về cũng là một nghĩa cử đẹp: Để dành cái  chỗ làm ấy cho con cái  bà con cô bác nơi miền Tây xa xôi học hành ra chưa có việc làm! Lúc nào cũng nghĩ đến người khác còn khó nghèo là nét đẹp tôi nhận ra ở con người lão tướng Năm Lương. Nói điều ấy, tôi lại gặp ở ông nụ cười hiền hậu: “Thì Năm Lương tôi cũng sinh ra từ vùng quê xứ Nghệ khó nghèo mà anh!”

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load