Thứ bảy 21/12/2024 23:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long

14:50 | 17/03/2023

(Xây dựng) – Sáng 17/3, Câu lạc bộ Khối đào tạo Xây dựng - Kiến trúc phối hợp với Hiệp hội các Trường đại học – cao đẳng Việt Nam cùng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp vùng “Kết nối, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng - kiến trúc cho các tỉnh Tây Nam bộ”.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng); đại diện CLB Khối đào tạo Xây dựng - Kiến trúc; đại diện Hiệp hội các Trường đại học - cao đẳng Việt Nam cùng các trường đại học có đào tạo chuyên ngành Xây dựng - Kiến trúc, các Sở Xây dựng và doanh nghiệp xây dựng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đến tham dự Hội thảo.

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long
PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Xây dựng - Kiến trúc (bên phải) cùng TS. Trương Công Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (bên trái) trao hoa cho các nhà tài trợ Hội thảo.

Tại Hội thảo các diễn giả đã trao đổi các vấn đề quan tâm như: Một số kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng; Những vấn đề đào tạo đại học ngành Kiến trúc và Xây dựng; Tích hợp mô hình thông tin công trình vào đào tạo đại học khối ngành Xây dựng; Thực trạng và một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng - kiến trúc cho các tỉnh Tây Nam bộ; Đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL…

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long
PGS.TS Phạm Duy Hòa phát biểu điều hành thảo luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Xây dựng - Kiến trúc, cho rằng: “Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, các tỉnh Tây Nam bộ luôn có nhu cầu phát triển nguồn nhân lực nói chung và trong lĩnh vực xây dựng-kiến trúc nói riêng, hơn nữa đây là khu vực có những đặc điểm riêng biệt về địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn cho đến các các yếu tố xã hội, phong tục, tập quán… Trong những năm qua, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng ngày một tốt hơn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nam bộ. Mặc dù vậy, trước yêu cầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cần thiết phải có sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo không chỉ trong vùng mà ở các địa phương khác nhau để phát huy năng lực, lợi thế của mỗi đơn vị tạo điều kiện thuận lợi hơn, nhanh hơn trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Nam bộ…”.

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long
TS. Trương Công Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Trương Công Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho biết: “Trường Đại học Xây dựng Miền Tây trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, với sứ mệnh là cơ sở giáo dục công lập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Cùng với phương châm chất lượng - năng động - phát triển - hội nhập, trong những năm vừa qua, trường đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở các cấp đóng góp nhiều cho sự nghiệp đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL và cho cả nước.

Trong công tác đào tạo tại trường hiện nay, nghiên cứu khoa học và đào tạo được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Chính vì vậy cùng với nhiều hoạt động khác, hôm nay, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây rất vinh dự khi được Hiệp hội các Trường đại học – cao đẳng Việt Nam và Câu lạc bộ Khối đào tạo Xây dựng - Kiến trúc phối hợp đăng cai tổ chức Hội thảo cấp vùng về chủ đề “Kết nối, hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng – kiến trúc cho các tỉnh Tây Nam bộ”, một trong những chủ đề hiện nay nhận được sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, Hội thảo lần này là cơ hội quý báu, để chúng ta có thể tạo sự gắn kết về đào tạo chuyên ngành Xây dựng - Kiến trúc giữa các khối trường với nhau và giữa khối trường với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, nhằm tạo ra môi trường đào tạo chuyên nghiệp, tri thức và tiến bộ nhất, cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực ĐBSCL và cả nước”.

Ths. Huỳnh Quốc Huy, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây chia sẻ về thực trạng: “Nhìn vào số liệu thống kê của các Bộ ngành những năm gần đây về lao động và việc làm của các vùng kinh tế thì việc đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL đặc biệt nguồn nhân lực ngành Xây dựng đang đi sau cả nước trong quá trình phát triển. Từ trước tới nay, người dân ĐBSCL có tư tưởng không cần học cao, chỉ biết chữ là đủ. Bên cạnh đó điều kiện giao thông đi lại khó khăn cùng với tâm lý lo ngại sau khi đi học không tìm được việc làm, không có vốn… đã làm hạn chế đáng kể mục tiêu của chương trình cũng như sự tham gia tự giác, nhiệt tình của người có nhu cầu học tập. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, các cơ sở đào tạo triển khai tuyển sinh đào tạo.

Thực tế trong những năm gần đây thì hầu hết các trường đại học chỉ tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực cho những ngành như kinh tế, tài chính, kế toán, ngoại ngữ, tin học… Trong khi đó, các ngành lĩnh vực xây dựng đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm với nguồn kinh phí lớn.

Theo đánh giá của các cán bộ tại các cơ sở đào tạo trong khu vực cho thấy, xét về mặt số lượng cơ sở vật chất (phòng học, phòng máy tính, nhà thực hành, mô hình…) và các trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu đào tạo trên 70%, riêng phòng học, phòng máy tính đã đáp ứng đến gần 90%...”.

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long
PGS.TS Nguyễn Bình Hà - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu: “Đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2023 đến năm 2030”.

“Đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2023 đến năm 2030”, PGS.TS Nguyễn Bình Hà - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất: “Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng và kiến trúc tại ĐBSCL trong giai đoạn 2023 đến năm 2030 là rất lớn, lớn hơn cả giai đoạn 2011 đến 2018 nhiều lần.

Về tuyển sinh: Cần bám sát nhu cầu của địa phương, của các đơn vị, tư vấn cho lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các đơn vị, các thí sinh tiềm năng về lợi ích của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nêu rõ những khó khăn, thách thức, những yêu cầu bắt buộc và những điều kiện thuận lợi, những lợi ích có được khi tham gia khóa học. Đặc biệt cần hiểu rõ đặc tính của vùng là “nói phải đi đôi với làm”, ý kiến của mọi người từ khi tư vấn tuyển sinh cho đến khi ra trường đều chính xác, thống nhất để các học viên tin vào trường. Chú ý truyền thông tuyển sinh thông qua các cựu sinh viên, sinh viên.

Tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng - Kiến trúc tại Đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh Hội thảo.

Trong quá trình giảng dạy và học tập cử những giảng viên có kiến thức cao, kinh nghiệm, thân thiện, kiên trì, hiểu biết về văn hóa, con người địa phương. Lớp liên kết có thuận lợi học tập không chỉ trên lớp mà còn ở ngoài giờ học, thầy trò có nhiều thời gian và không gian để trau dồi, hiểu nhau hơn, qua đó khuyến khích các học viên nêu vấn đề đang tồn tại của mình… bằng các lý luận khoa học các giảng viên sẽ trao đổi để giải quyết những thắc mắc của học viên, để công việc của học viên tại cơ quan tốt lên từng ngày, qua đó học viên sẽ có cảm hứng và thích thú đi học và lãnh đạo đơn vị cũng thấy chất lượng công việc của học viên ngày càng tốt hơn…”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load