Chủ nhật 03/11/2024 05:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 (1947-2022):

Tiểu đoàn bộ binh 242 - Dấu ấn oanh liệt không thể phai mờ thời đánh Mỹ

16:22 | 27/07/2022

(Xây dựng) - Cựu chiến binh Hoàng Văn Chí - Nguyên cán bộ Quân lực Tiểu đoàn 242-2642, nguyên Trợ lý quân số Ban Quân lực Phân khu 23, Long An (1970 - 1976) kể lại, Nhà báo Nguyễn Đăng Văn ghi.

tieu doan bo binh 242 dau an oanh liet khong the phai mo thoi danh my
Đồng chí Lý Văn Bé (Sáu Bé), quê ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 242, nguyên Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, cấp Thượng tá, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, hiện nghỉ hưu tại số nhà 289, Quốc lộ 62, phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có rất nhiều đơn vị bộ đội miền Bắc chi viện cho miền Nam đánh giặc, hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng có nhiều đơn vị, cho đến nay, vẫn chưa được viết lại lịch sử, còn chìm trong quá khứ. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 (1947-2022) chúng tôi giới thiệu lại Tiểu đoàn bộ binh 242 gồm con em nhân dân tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) nhập ngũ được thành lập đầu năm 1967, lên đường vào Nam chiến đấu cuối 1967, chủ yếu ở chiến trường tỉnh Long An trong những năm đánh Mỹ ác liệt, thuộc Quân khu 8 (nay là Quân khu 9), và Quân khu 7 ngày nay. Đơn vị đã chiến đấu kiên cường dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cách mạng miền Nam, nhưng đồng thời cũng là đơn vị có sự hy sinh lớn, đến nay, vẫn còn những đồng chí nằm lại chiến trường, chưa tìm được mộ chí…

Tiểu đoàn 242 nguyên là Tiểu đoàn 331, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330B. Được thành lập ngày 20/3/1967 tại xã Hòa Bình (nay là xã Đông Lỗ), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Toàn bộ chiến sỹ là con em hai huyện Hiệp Hòa và Tiên Sơn cũ, có số ít ở các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng… Cán bộ chỉ huy và cán bộ khung đều ở Trung đoàn 5, Sư đoàn 320 chuyển về. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Chính trị viên trưởng là đồng chí Vương Tích, Chính trị viên phó là đồng chí Đỗ Cảnh Tĩnh. Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng là đồng chí Trần Thành Ngọ (khi đơn vị đi B thì đề bạt đồng chí Nguyễn Văn Sắc đại đội trưởng đại đội 1 là Tham mưu trưởng thay đồng chí Trần Thành Ngọ chuyển đơn vị khác).

Đầu tháng 5/1967, đơn vị chuyển về đóng quân tại xã Quốc Tuấn (nay là xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Tháng 6 năm đó, đơn vị tổ chức kiểm tra bắn đạn thật ở Núi Voi, huyện Việt Yên sau đó hành quân đến lập doanh trại tại khu vực Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc để tiếp tục huấn luyện. Sau 9 tháng huấn luyện và bổ sung hoàn chỉnh, Tiểu đoàn 242 làm lễ xuất quân lên đường vào Nam chiến đấu. Buổi lễ được tổ chức rất trang trọng tại sân kho Hợp tác xã Làng Dừa, xã Nam Sơn (nay là xã Huyền Sơn), huyện Lục Nam vào hồi 17 giờ, ngày 15/11/1967. Đây là một Tiểu đoàn thực binh, quân số đông. Lúc xuất phát đi vào miền Nam có 680 cán bộ, chiến sỹ được biên chế thành 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội hỏa lực, trung đội thông tin, 1 trung đội trinh sát. Tiểu đoàn có 1 máy vô tuyến điện (VTĐ) 15w và 2 cơ yếu. Phiên hiệu là Đoàn 242 đi Hải Yến S9. Sau gần 6 tháng hành quân vượt Trường Sơn gian khổ, ngày 28/4/1968 đơn vị vào đến Ba Thu, tỉnh Sray Riêng, Campuchia (Hậu cứ của Phân khu 2 Long An) được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Lúc này quân số của Tiểu đoàn còn khoảng trên 400 cán bộ, chiến sỹ. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Chính trị viên trưởng là đồng chí Đỗ Cảnh Tĩnh lên thay đồng chí Vương Tích bị sốt rét gửi lại dọc đường, sau Phân khu điều đồng chí Tư Bắc về làm Chính trị viên trưởng thay đồng chí Đỗ Cảnh Tĩnh, đề bạt đồng chí Hòa đại đội trưởng đại đội 4 làm Tham mưu trưởng thay đồng chí Sắc chuyển về Phòng Hậu cần. Đồng thời, Phân khu cũng bổ sung đồng chí Bảy Đen làm Tiểu đoàn phó và 4 cán bộ đại đội gồm đồng chí: Tám Oanh, Ba Châu, Ba Nhân và 1 đồng chí nữa (đã hy sinh) không nhớ tên. Ngày 29/4/1968, đồng chí Tư Thanh, Trưởng Ban Quân lực Phân khu giới thiệu sa bàn về tình hình huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn lại đơn vị, ngày 1/5/1968 đơn vị hành quân xuống huyện Đức Hòa. Đêm 4 rạng ngày 5/5/1968, đơn vị phối hợp với Tiểu đoàn 267B, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 12 đặc công và Đại đội trinh sát của tỉnh đánh tập kích vào Tiểu khu Hậu Nghĩa. Có thể nói, đây là trận đánh tiêu biểu nhất của Tiểu đoàn 242 trên chiến trường Long An. Đơn vị đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau đó rút về đóng quân tại Gò Bún, ấp Chánh, xã Tân Phú. Cả ngày 5/5/1968, đơn vị đánh chống càn với số đông lính ngụy (trong 2 trận này, đơn vị hy sinh 58 đồng chí). Tiếp theo, đơn vị di chuyển về hoạt động tại xã An Ninh. Tại đây, đơn vị chủ yếu đánh tập kích ở Bàu Cua, Bàu Ngang Hai đến Lộc Giang và nhiều lần đánh chống càn ở ấp An Thạnh, An Hội, Giồng Nổi… Tháng 10/1968, đơn vị hành quân về hậu cứ Đìa Gai, sát biên giới Campuchia. Tại đây, đơn vị được sáp nhập vào Tiểu đoàn 267B (Tiểu đoàn 267B được thành lập sau Tết Mậu Thân 1968) và mang tên Tiểu đoàn 2642. Cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn được Phân khu điều động đi hết.

Sau khi sáp nhập, mang tên Tiểu đoàn 2642, đơn vị vẫn giữ ngyên đội hình biên chế cũ với 3 đại đội bộ binh, đại đội hỏa lực, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội trinh sát. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Sáu Huẩn, Chính trị viên trưởng là đồng chí Đào Công Trừng, Tiểu đoàn phó là đồng chí Lý Văn Bé (Sáu Bé), (sau là Thượng tá, Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, hiện đang định cư tại thành phố Tân An, tỉnh Long An), Chính trị viên phó là đồng chí Trần Bình Chỉ, Tham mưu trưởng là đồng chí Hai Sung. Sau đề bạt đồng chí Hoàng Vương, Chính trị viên trưởng đại đội 2 làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn thay đồng chí Trần Bình Chỉ hy sinh. Đơn vị có 11 đồng chí là nữ, làm nhiệm vụ quân y và thông tin, có 4 nữ là pháo thủ cối 82. Địa bàn hoạt động của đơn vị là huyện Đức Hòa, ở các xã dọc theo sông Vàm Cỏ Đông như: An Ninh, Tân Phú, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, có thời gian sang hoạt động tại xã Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh, Đức Hòa Thượng... Nhiệm vụ của đơn vị là đánh tập kích vào các đồn bốt, pháo kích vào Tiểu khu Hậu Nghĩa và các Chi khu Hiệp Hòa, Đức Hòa, đánh tàu trên sông Vàm Cỏ Đông và chống càn.

Do địa hình hoạt động rộng, chiến trường ngày một ác liệt, quân số tiêu hao không được bổ sung kịp thời. Cuối năm 1969, đơn vị được lệnh hành quân về hậu cứ Ba Thu để cũng cố và bổ sung thêm quân số. Tại đây, đơn vị tiến hành Đại hội Đảng bộ và nhận thêm quân số ở đơn vị biên phòng chuyển sang để bổ sung cho các đại đội. Sau đó, đơn vị lần lượt cho anh em cán bộ, chiến sỹ hành quân xuống chiến trường huyện Đức Hòa bám trụ chiến đấu. Thời kỳ này, đồng chí Sáu Huẩn và đồng chí Hai Sung bỏ đơn vị đi đâu không rõ. Đồng chí Lý Văn Bé lên làm Tiểu đoàn trưởng đồng chí Đào Công Trừng làm Chính trị viên trưởng (cuối tháng 1 đầu tháng 2/1970 đồng chí Tư Trừng được Phân khu điều về làm Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 1 Long An, đơn vị sau được tuyên dương 3 lần anh hùng), đề bạt đồng chí Năm Cường làm Tiểu đoàn phó, Phân khu bổ sung đồng chí Vũ Bá Nhật về làm Chính trị viên phó. Tháng 2/1970, Phân khu quyết định giải thể Tiểu đoàn 2642 và bàn giao quân số còn lại cho huyện đội Đức Hòa quản lý, đồng chí Lý Văn Bé được điều về huyện Đức Hòa làm Huyện đội trưởng, từ thời điểm này phiên hiệu Tiểu đoàn 2642 chính thức không còn hoạt động nữa.

Giai đoạn đơn vị chuyển giao về Huyện đội Đức Hòa quản lý, tình hình chiến trường Đức Hòa lúc ấy rất căng thẳng và ác liệt, địch tăng cường đánh phá để bình định. Huyện đội đã phân tán lực lượng đưa về tăng cường cho xã, mỗi xã 1 Tiểu đội trực tiếp làm du kích xã để bám trụ chiến đấu và xây dựng phong trào như ở các xã: Tân Phú, Đức Hòa Hạ, Hựu Thạnh, Đức Hòa Thượng, Đức Lập Hạ… Đồng thời, phân công đồng chí Nguyễn Văn Quynh về làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hà Văn Thao về làm Xã đội trưởng Tân Phú, đồng chí Nguyễn Hải Thành về làm Xã đội trưởng Đức Hòa Hạ, đồng chí Ba Thành về làm Xã đội trưởng Đức Lập Hạ. Trong năm 1971, Huyện đội Đức Hòa đã xây dựng cơ sở, bố trí anh em bộ đội địa phương phối hợp với lực lượng phòng vệ dân sự nội gián trong các đồn bốt nổi dậy, phá thế kìm kẹp của địch, vận động đưa anh em binh lính trở về với cách mạng như ở Bến Long, Bàu Công (Tân Mỹ), Rồng Lốt (Đức Hòa Thượng), Đức Hạnh (Đức Lập Hạ)…

Trong gần 2 năm hoạt động tại chiến trường Đức Hòa, Tiểu đoàn 242 và sau là Tiểu đoàn 2642, chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công lớn nhưng cũng bị tổn thất nặng nề, có rất nhiều đồng chí hy sinh. Chỉ tính đến ngày 5/11/1969, đồng chí Trần Xứng, Trợ lý Chính trị của Tiểu đoàn được Phân khu điều động về Ban Quân pháp Phòng Chính trị Phân khu đã bàn giao lại cho đồng chí Nguyễn Minh Mẫn, Trợ lý Chính trị của Tiểu đoàn, mới được đề bạt, là 297 liệt sỹ. Số liệt sỹ này hầu hết được quy tập về nghĩa trang huyện Đức Hòa nhưng không biết tên. Các đồng chí bị thương được chuyển ra miền Bắc an dưỡng. Các đồng chí được điều động về Huyện đội Đức Hòa có nhiều đồng chí được đưa xuống làm Bí thư Đảng ủy, Xã đội trưởng các xã và chuyển sang Tiểu đoàn 1 Long An, cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

tieu doan bo binh 242 dau an oanh liet khong the phai mo thoi danh my
Các đồng chí trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 242 (hiện đang sinh sống tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) và nhà báo trong buổi họp mặt ôn lại truyền thống đơn vị tại gia đình đồng chí Nguyễn Văn Tập ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ngày 19/7/2022.

Quá trình công tác chiến đấu trên chiến trường Long An, chủ yếu ở huyện Đức Hòa, Tiểu đoàn 242 và sau là Tiểu đoàn 2642 đã vượt qua vô vàn gian khổ hy sinh, chiến đấu ngoan cường dũng cảm, lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa chiến tranh nhân dân ở Long An ngày càng phát triển, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Có thể kể lại đây một số trận đánh tiêu biểu của đơn vị trong 2 năm 1968 -1969 là: Đêm 4 rạng ngày 5/5/1968, Tiểu đoàn 242 phối thuộc với Tiểu đoàn 267B, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 12 đặc công, đại đội trinh sát của tỉnh đánh tập kích vào Tiểu khu Hậu Nghĩa, tiêu diệt địch, sau đó rút về đóng quân tại Lò Bún, ấp Chánh, xã Tân Phú. Tại đây, sáng ngày 5/5 đơn vị chống càn với lính ngụy (Trong hai trận này đơn vị hy sinh 58 đồng chí). Ngày 30/5/1968, đơn vị đánh chống càn với lính Mỹ ở ấp An Thạnh, xã An Ninh, hy sinh 28 đồng chí (Trong đó có đồng chí Tâm đại đội trưởng, đồng chí Nghiêm trung đội trưởng). Ngày 21/6/1968 đơn vị đánh chống càn với lính ngụy ở ấp An Thạnh, xã An Ninh, hy sinh 26 đồng chí (Trong đó có đồng chí Chuốt là đại đội trưởng, đồng chí Vọng là Chính trị viên phó đại đội). Ngày 18/8/1968, đơn vị đóng quân tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, bị B52 ném trúng đội hình, hy sinh 4 đồng chí (trong đó có đồng chí Hòa là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn). Ngày 27/8/1968, đơn vị đánh tập kích vào Bầu Ngang Hai (Hy sinh 16 đồng chí, trong đó có đồng chí Hóa đại đội phó, đồng chí Huyên chính trị viên phó đại đội). Ngày 7/11/1968, Tiểu đoàn 2642 đánh chống càn với lính ngụy ở ấp An Hội xã An Ninh (Hy sinh 3 đồng chí, trong đó có đồng chí Ba Nhâm đại đội phó). Ngày 27/11/1968, đánh chống càn với lính ngụy ở ấp Giồng Nổi, xã An Ninh (Hy sinh đồng chí Đào Văn Thìn, tiểu đội trưởng đại liên). Ngày 6/12/1968, đánh chống càn với lính ngụy ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh (Hy sinh 10 đồng chí trong đó có đồng chí Cảnh là tiểu đội trưởng). Ngày 16/12/1969, đánh tàu trên sông Vàm Cỏ Đông ở khu vực xã Hòa Khánh, bắn cháy 1 tàu tuần tra trên sông, hy sinh đồng chí Nghiêm Xuân An. Ngày 12/1/1969, đánh chống càn với lính ngụy ở Gò Cát Nhỏ, xã Tân Phú bắt sống 1 tù binh, giao cho Xã đội Hòa Khánh quản lý (hy sinh 5 đồng chí). Ngày 22/12/1969, đánh chống càn với lính ngụy ở khu vực Sông Trà, xã Hựu Thạnh Thượng, hy sinh 1 đồng chí. Ngày 25/3/1969, đánh chống càn với lính Mỹ ở khu vực Kinh Hóa Thơm, Gò Cát Nhỏ, xã Tân Phú, bắt sống 1 tù binh, sau đó tên này chống cự lại, nên bị bắn chết (hy sinh 2 đồng chí). Ngày 4/4/1969, đánh chống càn với lính Mỹ tại Rạch Nhum, xã Tân Phú (Hy sinh 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Khanh là trung đội trưởng trinh sát). Ngày 16/7/1969, đánh chống càn với lính ngụy tại ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng (Hy sinh 4 đồng chí trong đó có đồng chí Lê Văn Khiết, trung đội phó).

Cũng như nhiều đơn vị chiến đấu trên chiến trường Long An những năm đánh Mỹ ác liệt như: Tiểu đoàn 1 Long An, Tiểu đoàn 45, Tiểu đoàn 504, Trung đoàn 320, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 9 (K9), Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269, Đội nữ pháo binh Long An… Đơn vị Tiểu đoàn 242 và sau là 2462 đã có những đóng góp xương máu quan trọng đề làm nên chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975. Năm tháng đã và đang đi qua, nhưng lịch sử chiến đấu của các đơn vị trên chiến trường Long An, trong đó có Tiểu đoàn 242 và sau là 2462 sẽ mãi mãi là dấu son chói đỏ của cách mạng, của lòng dân Long An, lòng dân Đức Hòa đối với đơn vị, khắc ghi dấu ấn không thể phai mờ về những năm tháng đánh Mỹ khốc liệt đau thương và vinh dự tự hào.

Trong bài viết này có tham khảo tư liệu do các đồng chí cung cấp:

Đồng chí Đại tá Lý Văn Bé, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Huyện đội trưởng huyện đội Đức Hòa, nguyên là Tham mưu phó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An, hiện đang cư trú tại số nhà 289, Quốc lộ 62, phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Đồng chí Trần Xứng, nguyên là Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 242-2642, nguyên Đại tá, Chánh án Tòa án Quân khu 7, hiện đang cư trú tại tại số nhà 50/15/6, đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đồng chí khác.

Những thay đổi của cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 242 - 2642 (1969):

Khoảng tháng 6/1969 đồng chí Hai Sung, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn bỏ đơn vị. Khoảng tháng 8/1969, đồng chí Sáu Huẩn nguyên là tiểu trưởng cũng bỏ đơn vị. Hai trường hợp này không rõ đi đâu.

Đồng chí Đào Công Trừng (Tư Trừng), Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 242, sau được điều động về làm Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 1 Long An (đầu năm 1970).

Đồng chí Lý Văn Bé (Sáu Bé ) làm Tiểu đoàn trưởng (thay đồng chí Sáu Huẩn) chỉ huy đơn vị, sau chuyển về làm huyện đội trưởng huyện đội Đức Hòa (sau năm 1975 được đề bạt là Tham mưu phó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An. Sau đồng chí chuyển sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An cho đến khi nghỉ hưu.

Đồng chí Trần Bình Chỉ (Hai Chỉ), Chính trị viên phó Tiểu đoàn hy sinh ngày 13/12/1968 tại xã Hòa Khánh.

Đồng chí Hoàng Vượng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn bị thương đưa về điều trị tại bệnh viện và bị địch bắt tại Campuchia tháng 5/1970.

Đồng chí Năm Cường cán bộ đại đội được đề bạt làm Tiểu đoàn phó.

Đồng chí Vũ Bá Nhật được trên điều động về làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn.

Những nữ chiến sỹ của Tiểu đoàn, gồm 11 người.

Người tên Hồng có 3 người (trong đó 2 người là y tá, 1 người là thông tin).

Tiếp đến là Sáu Tiên, quân y sỹ, Tám Chiếc, Bảy Bé, Tám Đẹp là y tá. Hai Thu, Tám Hà, Chín Ngó, Tư Sương là pháo thủ cối 82 (4 trường hợp là chiến sỹ của Đội nữ pháo binh Long An chuyển sang).

Hoàng Văn Chí - Nguyễn Đăng Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load