(Xây dựng) – Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sử dụng năng lượng truyền thống, các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải đó là: Ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất, sự thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. |
Để giải quyết các vấn đề này, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Các làng nghề Việt Nam có thể sử dụng năng lượng tiết kiệm thông qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng các thiết bị điện và nước, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thực hiện việc tách rác thải. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Các chính sách và luật sử dụng năng lượng
Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm như chính sách về giá: Chính phủ có thể thiết lập mức giá khuyến khích cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm giá cho các thiết bị và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Quy định và tiêu chuẩn: Chính phủ có thể đưa ra quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Công nghệ để tiết kiệm điện chưa đổi mới
Đoàn giám sát vừa có báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021". Theo báo cáo, hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên GDP của Việt Nam khá cao, hơn 2 lần so với các nước phát triển.
Mặt khác, dự báo dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 99 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người vào năm 2030, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng với nhịp tăng trưởng 7% mỗi năm từ nay đến năm 2030, do đó, nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục tăng nhanh. Riêng nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. "Phát triển kinh tế ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện rõ rệt", Đoàn giám sát đánh giá.
Các hoạt động về sử dụng năng lượng và hiệu quả được đẩy mạnh thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (VNEEP) giai đoạn 1 (từ 2006-2010) và giai đoạn 2 (từ 2011-2015) với sự phối hợp tích cực giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, kết quả là trong giai đoạn 1, tỷ lệ tiết kiệm đạt 3,4% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tương đương với 4,9 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) và đối với giai đoạn 2 đạt 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tương đương với 11,2 triệu TOE.
Theo Đoàn giám sát, để đáp ứng những yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các giải pháp, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nhiều chương trình, hợp tác, trợ giúp quốc tế được triển khai tích cực. Đã chú trọng xác định những nhu cầu cụ thể về tiết kiệm đối với một số ngành, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và khuyến khích việc ứng dụng thiết bị, công tiết kiệm năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, trong đó đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
“Một số ngành như sản xuất thép và xi măng tiêu thụ nhiều năng lượng (nhất là điện), nhưng do giá điện còn thấp so với khu vực và thế giới dẫn đến thiếu động lực để đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng", Đoàn giám sát đánh giá.
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh
The đoàn giám sát, việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được đánh giá là ban hành đúng thời điểm và đã tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động, hành vi về sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực của nền kinh tế, đã tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao nhận thức và thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định trong luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.
Ngoài ra, Đoàn giám sát cho rằng còn thiếu các quy định cụ thể các giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng; hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp, không có cơ quan độc lập để kiểm định chất lượng dịch vụ kiểm toán năng lượng, tư vấn năng lượng.
Đặc biệt, chưa quy định hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế thực hiện các hợp đồng hiệu quả năng lượng theo mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
Quy định về các cơ chế ưu đãi, khuyến khích trong Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến các chính sách ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được triển khai thực hiện. Nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn.
Theo Đoàn giám sát, mạng lưới các đơn vị kiểm toán năng lượng, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng còn thiếu về lực lượng và yếu về chất lượng, nhiều vị trí làm việc kiêm nhiệm, nhiều cán bộ có chuyên môn dịch chuyển vị trí công tác, nhất là trong giai đoạn 2016-2019, khi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bị gián đoạn. Trừ một số địa phương, đô thị lớn, năng lực của các tổ chức tư vấn tại nhiều địa phương còn hạn chế chưa đủ khả năng để độc lập thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương.
Mộc Miên
Theo