Thứ tư 01/05/2024 20:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

20:29 | 29/10/2022

(Xây dựng) - Chiều 29/10, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như thông tin về vụ việc liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tăng lãi suất huy động, vấn đề tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.

tiep tuc uu tien on dinh kinh te vi mo kiem soat lam phat bao dam cac can doi lon cua nen kinh te
Phiên họp báo Chính phủ tháng 10 có nhiều vấn đề dư luận quan tâm được lãnh đạo Bộ, ngành trả lời thẳng thắn.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Về kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng, nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm thu ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm, cơ bản cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, trong đó đã thực hiện tốt công tác phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch; từ tháng 7/2021 đến nay đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,26 triệu lượt người lao động và gần 851.000 người sử dụng lao động. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, nhiều sự kiện được tổ chức thành công, góp phần phát triển du lịch.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; các nghị định về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành tiếp tục được tập trung hoàn thiện, ban hành với tinh thần giảm đầu mối, giảm khâu trung gian. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều dự án, vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý quyết liệt, giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới).

Vấn đề liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tin giả

tiep tuc uu tien on dinh kinh te vi mo kiem soat lam phat bao dam cac can doi lon cua nen kinh te
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Vụ án xảy ra tại Công ty An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án rất khó. Tham gia ban chuyên án là những cán bộ rất bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm trận mạc. Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố, để có những phương án đối sách phù hợp xử lý đúng người, đúng tội.

Đây là vụ án rất khó, nhưng phải làm, càng khó càng phải quyết tâm làm. Mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, đảm bảo thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Trong quá trình tố tụng, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật thì bản chất của vụ việc sẽ được làm rõ, công lý sẽ được thực thi, không hề có yếu tố hình sự hoá các quan hệ kinh tế xã hội. Đây là vấn đề tính thượng tôn pháp luật phải được đảm bảo.

Sau khi khởi tố vụ án này, Tập đoàn An Đông có rất nhiều công ty con trong và ngoài nước tung tin thất thiệt, sai sự thật, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Về vấn đề xử lý tình trạng tung tin đồn thất thiệt trên không gian mạng, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin: Trong 10 tháng đầu năm, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng.

Thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Những thông tin sai trái vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo ông Tô Ân Xô, hầu hết các doanh nghiệp lớn của chúng ta hiện nay đều đang hoạt động ổn định và bình thường. Ví dụ đến giờ phút này ông Phạm Nhật Vượng của VinGroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh và hoạt động của VinGroup ổn định bình thường. VinGroup là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho Nhà nước và số lượng tiền đóng thuế của họ khoảng 127.000 tỷ đồng trong thời gian vừa qua.

Theo ông Tô Ân Xô, chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ các hoạt động bình thường, tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp, hạn chế việc tung tin sai trái, thất thiệt làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Vấn đề tăng lãi suất huy động

tiep tuc uu tien on dinh kinh te vi mo kiem soat lam phat bao dam cac can doi lon cua nen kinh te
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Trả lời vấn đề liên quan đến tăng lãi suất huy động của các ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: Về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Thứ hai là bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế; Thứ ba là lĩnh vực tiền tệ có 3 chỉ số quan trọng, đó là: Lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng; sau đó mới là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Về tăng trưởng tín dụng, năm nay có một đặc thù là ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020-2021. Thực tế tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước. Cụ thể, tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24/10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và thứ hai là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Điều này cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được. Tất cả các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo. Rồi các nước lại tiếp tục tăng lãi suất lần 2 nữa bởi 2 lý do: Một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD.

Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sau rộng kinh tế quốc tế.

Mặt bằng lãi suất lên như thế cũng có ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Chúng tôi xin giải thích như sau: Thứ nhất, tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Thực tế các lĩnh vực này từ đầu năm đến giờ tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh các hạn mức tín dụng các tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên như là xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.

Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp.

Vấn đề tăng lương cơ sở từ 1/7/2023

tiep tuc uu tien on dinh kinh te vi mo kiem soat lam phat bao dam cac can doi lon cua nen kinh te
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị nguồn lực cho việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: Ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.

Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.

Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua.

Đỗ Quang – Duy Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load