Thứ năm 26/12/2024 18:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Kết nối các cực tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa cho nền kinh tế

16:52 | 05/11/2024

(Xây dựng) - Vừa qua, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 20 thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (Dự án). Theo đó, việc đầu tư Dự án là cần thiết nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, triển khai các quy hoạch quan trọng cũng như giúp tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Kết nối các cực tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa cho nền kinh tế
Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Cần thiết đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược; quan tâm đúng mực đến hạ tầng đường sắt, trong đó có triển khai một số đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng hàng không, cảng biển.

Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng, Quốc hội đã thể chế hóa bằng Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết này đã xác định phấn đấu để đầu tư xây dựng một số đoạn đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc - Nam, trong đó giao Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này để có chủ trương đầu tư và xem xét một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để huy động nguồn lực.

Theo Tờ trình chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong bối cảnh hiện nay, với nhu cầu vận tải ngày một tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp, dự kiến đến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 564 tỷ USD, nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cần thiết nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, triển khai các quy hoạch tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng tuyến đường sắt này cũng giúp tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, tái cấu trúc mô hình phân bố dân cư, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tuyến đường khi đưa vào vận hành sẽ đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Việc đầu tư Dự án phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Bảo đảm hiệu quả trong triển khai Dự án

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu đóng góp thêm nhiều ý kiến về việc phân bổ nhu cầu vận tải đối với các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án đối với các địa phương có tuyến đường đi qua cùng các vùng lân cận.

Các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về các dự báo doanh thu, tăng trưởng doanh thu, phương án tài chính của dự án, so sánh với các tuyến tương tự, đối chiếu với kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, đưa ra các giải pháp đảm bảo hiệu quả trong triển khai Dự án.

Đồng thời thảo luận về phương án đầu tư với các nội dung cụ thể như: Quy mô đầu tư, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, vấn đề áp dụng công nghệ, làm chủ công nghệ… để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt, mô hình vận tải doanh nghiệp, sự kết nối của tuyến đường với hệ thống đường đô thị, cơ chế, chính sách đặc thù triển khai thực hiện dự án… cũng là các vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung trong Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, hồ sơ của Chính phủ đã được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu tại phiên họp. Các ý kiến sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới…

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load