(Xây dựng) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030, các địa phương đã tích cực trong việc triển khai cụ thể hóa, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) tại Việt Nam đến năm 2030, tính đến nay có khoảng 1.200 cơ sở sản xuất VLXKN trên toàn quốc hiện đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế (CSTK) đạt khoảng 12,4 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 40% tổng CSTK vật liệu xây.
Trong đó, sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) khoảng 920 cơ sở, với tổng CSTK khoảng 9 tỷ viên QTC/năm, chiếm đại đa số trong tổng số cơ sở sản xuất VLXKN; gạch bê tông khí chưng áp toàn quốc hiện có 4 cơ sở với tổng công suất khoảng 1.000.000 m3/năm (tương đương 0,75 tỷ viên QTC/năm); sản phẩm tấm tường có 10 cơ sở sản xuất với tổng công suất khoảng 11 triệu m2/năm.
Ngoài 03 chủng loại sản phẩm chính trên, VLXKN còn có các sản phẩm như: Tấm tường thạch cao, tấm 3D, đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát... Các chủng loại VLXKN khác có thị trường nhỏ, vì vậy các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đầu tư.
Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng, tiêu thụ sản phẩm VLXKN, song do thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm VLXKN giảm mạnh. Khó khăn về thị trường ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất VLXD nước ta.
Sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm VLXD liên tục suy giảm, lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và tiến độ thực hiện Chương trình.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái chia sẻ: “Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, việc sử dụng gạch đất sét nung của một số người dân đã xuất hiện từ lâu, hình thành thói quen cũng như thiếu các thông tin về ưu điểm, hiệu quả của gạch xây không nung nên việc tiêu thụ, sử dụng gạch xây không nung đối với người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất VLXD xanh về đầu tư, tài chính, thuế... góp phần giảm giá thành sản phẩm; chính sách về ưu đãi cho các công trình sử dụng VLXD xanh. Việc giám sát, quản lý chất lượng gạch không nung khi đưa vào sử dụng còn hạn chế do chất lượng gạch phụ thuộc vào các đơn vị sản xuất, nếu không giám sát, kiểm tra tốt dẫn đến trường hợp gạch kém chất lượng và không đảm bảo khi đưa vào sử dụng”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030, các địa phương đã tích cực trong việc triển khai thực hiện Quyết định này. Hầu hết, UBND các tỉnh đều đã giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai, cụ thể hóa Quyết định 2171, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công trình xây dựng tại các địa phương đã tuân thủ quy định về tỷ lệ sử dụng VLXKN theo Quyết định 2171. Cụ thể, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng tối thiểu 90%. Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ sử dụng tối thiểu 80% tại các khu đô thị từ loại III trở lên, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Các tỉnh còn lại, tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên sử dụng tối thiểu 80% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp tăng cường hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các đơn vị thi công xây dựng khi triển khai các dự án đầu tư tuân thủ các quy định về sử dụng VLXKN. Tăng cường công tác kiểm soát tỷ lệ sử dụng VLXKN trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền; khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng sử dụng VLXKN trong các công trình, không phân biệt nguồn vốn. Thực hiện các cơ chế chính sách hiện có để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN.
Ông Nguyễn Đức Luyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La nhận định: “Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sau 10 năm triển khai Chương trình phát triển VLXKN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 đến nay nhận thức của các ngành, chính quyền các địa phương, các chủ đầu tư và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình phát triển VLXKN đã được nâng cao. Các cấp chính quyền của các địa phương trong tỉnh đã chủ động, quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Trên cơ sở đó, việc phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện sử dụng gạch không nung theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đồng thời ban hành công văn chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện quy định sử dụng VLXKN ngay từ khâu thiết kế, thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Nhiều địa phương trong tỉnh đạt tỷ lệ sử dụng 100% VLXKN trong tổng thể tích khối xây của công trình xây dựng vốn ngân sách Nhà nước như: Thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Vân Hồ…”.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đang được các địa phương thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động. Các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi công nghệ, xóa bỏ lò đứng thủ công, chuyển sang đầu tư sản xuất theo công nghệ lò tuynel hiện đại. Một số không nhiều các địa phương vẫn còn tồn tại các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng nung gạch có xử lý khói thải (Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Định, Tuyên Quang, Yên Bái).
Sản phẩm tấm tường hiện có 10 cơ sở sản xuất với tổng công suất khoảng 11 triệu m2/năm. (Ảnh minh họa) |
Để Chương trình phát triển VLXKN được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển VLXKN; xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách ưu đãi trong sản xuất và sử dụng VLXKN; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến sản xuất, sử dụng VLXKN và các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dụng VLXKN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng và người dân nắm bắt đầy đủ hơn về ưu điểm của VLXKN, các chính sách ưu đãi trong sản xuất và sử dụng VLXKN, hướng đến việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung vẫn tồn tại trong xây dựng công trình tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý chất lượng và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hạn chế việc chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất gạch đất sét nung.
Các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng VLXKN, phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN. Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu các công nghệ sản xuất VLXKN mới và sử dụng các sản phẩm VLXKN mới trong công trình.
Mai Thu
Theo