Thứ năm 25/04/2024 19:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiền hỗ trợ vào “nhầm nhà”, dê gà vào “nhầm chuồng”…?

20:55 | 27/05/2020

(Xây dựng) - Trong các đối tượng Chính phủ quy dịnh được hưởng trợ cấp tiền gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sự minh bạch hơn cả là các đối tượng người có công, người được bảo trợ xã hội. Còn những đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng, người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội, người lao động tự do… sẽ không tránh khỏi tình trạng gian lận, nhập nhèm, khai báo không đầy đủ, thiếu chính xác, không trung thực để trục lợi hoặc bỏ sót đối tượng đủ điều kiện được hưởng. Đáng chú ý là ở các vùng nông thôn liên quan đến hộ nghèo, cận nghèo (mỗi nhân khẩu được 250.000 đồng/tháng). Thực tế tiêu cực đã xảy ra ở một số nơi.

tien ho tro vao nham nha de ga vao nham chuong

Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, chỉ riêng thôn Tu Mục 2 có 9/11 hộ được phê duyệt trợ cấp thuộc diện cận nghèo thì 7/9 hộ không thuộc diện nhưng lại có trong danh sách nhận tiền. Đó là các hộ có quan hệ gia đình, họ hàng với ông Hồ Xuân Bình - Chủ tịch, ông Lê Hồng Vân - Phó Chủ tịch UBND xã, bà Trần Phương Nam - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và bà Lê Thị Chung - Bí thư Chi bộ thôn. Trong khi đó, có 6 hộ hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế nhưng không được xét hỗ trợ.

Cũng tại Thanh Hóa, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa có hiện tượng cán bộ lãnh đạo kê khai người thân vào danh sách hộ cận nghèo, “gửi” hộ khẩu để nhận tiền hỗ trợ. Ông Hán Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã kê khai tên vợ, con, cháu; ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã ghi tên bố, mẹ, vợ, con trai vào danh sách cận nghèo; bà Nguyễn Thị Giảng - Bí thư Đoàn Thanh niên kê khai chồng, 2 con đem gửi vào hộ cận nghèo… trong khi nhiều hộ đúng đối tượng được hỗ trợ lại không có trong danh sách.

Sau khi người dân tố cáo, Huyện ủy Thiệu Hóa kiểm tra, phát hiện đúng đã quyết định dừng không cho Đại hội Đảng bộ xã để xử lý sai phạm và cơ cấu lại nhân sự.

Tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau có hiện tượng để được xét hỗ trợ, UBND xã Hòa Thành rời hộ khẩu bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng (vợ ông Vũ Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã) từ ấp Tân Phong 1 sang ấp Tân Hóa để “gửi” hộ khẩu bà vào gia đình bà Đào Thị Hoa nhằm hưởng tiền hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn On - Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Hóa cũng được “gửi” vào một hộ khẩu khác để hưởng tiêu chuẩn hộ nghèo. Trong khi ở xã này nhiều gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo không được xét hỗ trợ.

Về nguyên tắc, gói hỗ trợ xã hội 62.000 tỷ đồng là người dân thuộc nhóm nào được hưởng thì chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch để người dân sớm được hưởng. Trong khi đó, một số nơi, chính quyền không chú ý đến đối tượng cần hỗ trợ lại gian lận, giải quyết cho người nhà, họ hàng không thuộc diện, thậm chí là gia đình khá giả, giàu có.

Trong khi đó, có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện kí đơn không nhận tiền hỗ trợ để ưu tiên cho những hộ khó khăn hơn như ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có 46.500 người dân đủ điều kiện được hưởng thì 2.400 người tự nguyện không nhận với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Huyện Quảng Xương có 300 hộ nghèo với 1.350 nhân khẩu từ chối không nhận. Tuy nhiên, cũng có những địa phương hành xử thiếu nhân văn là vận động người dân “tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ. Họ làm sẵn đơn để người dân chỉ việc điền tên và kí vào như đã xảy ra ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Thậm chi, có nơi sau khi gia đình nhận tiền hỗ trợ, trưởng thôn đến vận động “ủng hộ lại một xuất cho Nhà nước vì Nhà nước đang khó khăn”…

Những việc làm đó trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước, trái đạo lý xã hội và đạo đức người cán bộ - “đầy tớ của Dân”. Đây là những thói xấu mà hầu như nhiều đợt thiên tai, lũ lụt được Nhà nước hỗ trợ và tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào đều có chuyện tiêu cực, ăn chặn, bớt xén tiền, hàng của người nghèo. Thế mới có chuyện tiền hỗ trợ vào “nhầm nhà”; Dê, gà vào “nhầm chuồng” trong những năm trước.

Ví như ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được thị xã Bỉm Sơn trao 24 con dê giống cho 6 hộ để xóa nghèo thì đi “nhầm” địa chỉ: 12 con được “lùa” vào trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy nhập vào đàn dê nhà ông đã có 70 con. Còn 12 con dê giống khác vào “nhầm” nhà các ông Đỗ Văn Thi - Đỗ Quang Phê, không phải hộ nghèo mà là anh em, họ hàng của ông Bí thư Huyện ủy và ông Nguyễn Văn Quý là cãn bộ lãnh đạo xã.

Tương tự ở bản Cao Đa 2, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chương trình bò 3A xóa đói giảm nghèo đi lạc vào nhà trưởng bản Hoàng Văn Phèn chứ không vào hộ nghèo. Tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, tiền ngân hàng chuyển cho chương trình bò 3A (3 tỷ đồng) lạc vào nhà cán bộ ngân hàng AGRIBANK.

Cũng tại Quảng Nam, 1.200 con gà giống cùng tiền thức ăn chăn nuôi, tiền chăm sóc thú y giành cho mô hình giảm nghèo thì toàn bộ số gà, số tiền đó đi vào “nhầm chuồng” nhà các ông Hoàng Kim Minh - Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng công an xã và nhiều cán bộ khác ở xã Quế An, huyện Quế Sơn.

Rồi có chuyện tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được đoàn từ thiện về trao quà (mỗi xuất 500.000 đồng) cho 40 gia đình nghèo bị ảnh hưởng lũ lụt. Sau khi khách đi khỏi, trưởng thôn đến từng nhà thu lại với lý do “để chia đều cho mọi nhà”…

Đó là những việc làm thể hiện sự tham lam, ấu trĩ của một bộ phận cán bộ cơ sở ở nhiều địa phương lâu nay, tưởng như sẽ không thể còn diễn ra. Vậy mà, trong đợt hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số nơi lại nhập nhèm, lợi dụng chính sách ưu việt của Nhà nước để trục lợi cá nhân trong khi nhiều hộ gia đình khó khăn lại không được quan tâm hỗ trợ.

Kim Quốc Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load