(Xây dựng) - Chính phủ đã có những động thái rất quyết liệt để thu hút ngành Công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực và thương hiệu mạnh, uy tín. Viglacera và giới doanh nghiệp Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và rất tích cực trước yêu cầu chiến lược mới này.
Tại San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam (ảnh: Nhật Bắc). |
Tín hiệu từ các "cường quốc công nghiệp bán dẫn"
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ vào tháng 9/2023, Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD. Đây là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành Công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD.
3 tháng sau, trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định: "Hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn và các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam". Ngay lập tức, ông Yoshitaka Kitao - Chủ tịch Tập đoàn SBI Holdings (chuyên về công nghệ bán dẫn) tiết lộ, Tập đoàn này đang xem xét mở rộng ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn.
Tháng 12 tại Hà Nội, lời hẹn của ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia (Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD) đã khiến giới công nghệ Việt Nam dậy sóng: "Nvidia mong muốn thiết lập cứ điểm tại Việt Nam làm trung tâm thu hút nhân tài trên khắp thế giới, góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo".
Ông John Neuffer - người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cũng chia sẻ: “Hiện nhiều doanh nghiệp thành viên của SIA, đã có mặt tại Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tăng gấp đôi số tiền dự kiến đầu tư".
Sức hấp dẫn của ngành Công nghiệp chất bán dẫn là điều không thể nghi hoặc, nhưng để Việt Nam đứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất nhiều yếu tố nền tảng sẽ phải khởi động. Thứ nhất, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai, xây dựng các chính sách ưu tiên cho ngành sản xuất chip bán dẫn. Thứ ba, phải đầu tư hạ tầng sản xuất công nghiệp bán dẫn, đi đôi với phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia (ảnh: Nhật Bắc). |
Viglacera & chiến lược tiên phong đón những “Người khổng lồ của thế giới”
Viglacera được biết đến là nhà phát triển khu công nghiệp (KCN) uy tín hàng đầu tại Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm và thu hút thành công những “Người khổng lồ” – những thương hiệu dẫn đầu thống lĩnh công nghệ trên thế giới như Samsung, Amkor, Hyosung, Foxconn, BYD, Qisda,... Tiếp nối thành tựu đó, Viglacera nâng tầm các KCN lên một vị thế mới khi đi đầu trong phát triển KCN xanh, thông minh để thu hút các dự án công nghiệp xanh.
Xác định cả ba yếu tố trên là yêu cầu khách quan đúng đắn, đồng thời đứng trên góc độ nghĩa vụ quốc gia, Viglacera nhận định: Muốn để Việt Nam thành công thì trước hết giới doanh nghiệp phải hành động quyết liệt để các nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam thực sự là một lựa chọn đúng đắn?
Kim chỉ nam đặt ra: Coi thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam & thành công của Viglacera, nên ngay từ năm 2019 - khi đại dịch Covid còn diễn ra căng thẳng, Viglacera vẫn triển khai cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ, chuẩn mực, hiện đại, đón trước làn sóng đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn với tâm thế chủ động, sẵn sàng...
Những yêu cầu đặc thù và riêng biệt của ngành Công nghiệp bán dẫn như vị trí gần sân bay quốc tế, nguồn điện phải được bảo đảm, hay nguồn nhân lực chất lượng cao, thậm chí là nguồn nhân lực quý đến từ các trường đại học uy tín như Bách Khoa, FPT cũng được Viglacera đưa vào kế hoạch hỗ trợ tuyển dụng. Thực tế sau đó cho thấy, trong mọi tình huống, Viglacera đều không bị động trước bất cứ yêu cầu phát sinh nào đặt ra từ các chủ đầu tư...
Sáng 11/10/2023, sau gần hai năm xây dựng, Công ty Amkor Technology Việt Nam đã chính thức khánh thành nhà máy Amkor quy mô lớn nhất thế giới tại KCN Yên Phong 2C do Tổng Công ty Viglacera – CTCP đầu tư và phát triển.
Amkor là Tập đoàn đến từ Arizona (Mỹ), dẫn đầu về công nghệ và kỹ thuật trong ngành công nghiệp OSAT – đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn với hàng nghìn sản phẩm bán dẫn đa dạng khác nhau. Amkor có nhiều đối tác tin cậy trên toàn cầu, hiện đã có mặt tại 11 quốc gia trên toàn thế giới. Amkor Bắc Ninh nhanh chóng trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới của Tập đoàn này.
Cũng 2 tháng sau đó, một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn có giá trị 90 triệu USD tiếp tục được khởi công tại KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh), được đầu tư bởi Công ty TNHH Micro Commercial Components Việt Nam, thuộc Yangjie Technology (Trung Quốc). Đây là nhà sản xuất các sản phẩm bán dẫn chất lượng cao, có trụ sở chính tại Simi Valley California (Mỹ). Tuy là nhà máy đầu tiên của MCC tại Việt Nam nhưng đã là nhà máy thứ 7 trên thế giới, cung cấp linh kiện bán dẫn cho các đối tác Huawei, BYD, Philips, Sony.
Như vậy từ Viglacera, lại phát đi tín hiệu vui cho Việt Nam về việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn, đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn, làm tiền đề để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong tương lai.
Xuất phát từ “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 (Net-Zero) vào năm 2050, Viglacera đặt đích đến phát triển KCN theo mô hình xanh, thông minh, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ngay sau dự án “mở màn” năm mới 2024 tại Thuan Thanh Eco-Smart IP, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera – CTCP chính thức xác lập tiêu chuẩn đầu tư các dự án KCN tiếp theo của Viglacera sẽ tuân thủ nghiêm túc mục tiêu xanh, thông minh. Những mục tiêu cốt lõi cũng được đưa vào kế hoạch hành động như cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, giảm ô nhiễm môi trường. Với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất. Sự thay đổi này là minh chứng cho tầm nhìn và trách nhiệm của Viglacera đối với cộng đồng.
Nhờ đó, các dự án công trình xanh đã liên tiếp khởi công trong các KCN. Cụ thể, mới đây Tập đoàn công nghiệp hàng đầu về công nghệ điện Hitachi Energy đã khánh thành nhà máy biến áp 50 triệu USD tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh) trong tháng 12/2023. Nhà máy đạt được chứng nhận LEED Gold, là cam kết của Hitachi Energy trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hàng loạt dự án nhà xưởng thế hệ mới của Tập đoàn Frasers Property Vietnam (FPV) cũng lựa chọn các KCN của Viglacera làm cứ điểm. FPV là công ty đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở khoa học (Science Based Targets initiative – SBTi) công nhận các mục tiêu giảm phát thải nhà kính.
Theo chia sẻ của ông Trương An Dương - Giám đốc phụ trách khu vực phía Bắc và khối Bất động sản nhà ở FPV, FPV đã vạch ra lộ trình Net Zero đến năm 2050, cụ thể là đạt chứng chỉ xanh cho tất cả các dự án phát triển để 100% danh mục đầu tư đạt chuẩn xanh. Triển khai chủ trương này, Frasers đã khởi công Industrial Centre Yen Phong 2C (tỉnh Bắc Ninh) với 34.500m2 nhà xưởng xây sẵn và kho vận chất lượng cao, chú trọng vào kiến tạo môi trường làm việc lành mạnh, bền vững.
Frasers Property Vietnam khởi công Industrial Centre Yen My (tỉnh Hưng Yên) ngày 20/03/2024 và Industrial Centre Dong Mai (tỉnh Quảng Ninh) ngày 23/03/2024. |
Trong tháng 3/2024, hai dự án tiếp theo của FPV cũng chính thức khởi công: Industrial Centre Dong Mai (tỉnh Quảng Ninh) gồm 71.000m2 nhà xưởng, nhà kho xây sẵn theo mô hình cao cấp; Industrial Centre Yen My (tỉnh Hưng Yên) gồm 159.000m2 cơ sở công nghiệp đa chức năng và diện tích xanh đáng kể với 4 công viên giải trí trong khuôn viên.
Các dự án đều có thiết kế tuân theo yêu cầu chứng nhận LEED – là chứng nhận được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm, không những là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong đánh giá yếu tố tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng, mà còn được công nhận là tiêu chuẩn Xanh toàn diện nhất dành cho không gian sống của con người.
Sự kiện khởi công tại KCN Đông Mai (tỉnh Quảng Ninh) vinh dự được đón tiếp ông Kees van Barr – Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tham gia, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của cơ sở đầu tiên thuộc Tập đoàn Công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực bán dẫn VDL B.V tại Việt Nam.
Những dự án theo tiêu chuẩn LEED lần lượt khởi công tại các KCN của Viglacera một lần nữa khẳng định định hướng phát triển xanh, thông minh của Viglacera đang dần được hiện thực hóa. Ở chiều ngược lại, sẽ thấy các KCN Viglacera đã, đang và sẽ tiếp tục là đích đến của các doanh nghiệp công nghệ cao, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Ngay trong những ngày đầu xuân năm 2024, Tổng Công ty Viglacera - CTCP chính thức công bố KCN xanh và thông minh “Thuan Thanh Eco-Smart IP” tại thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Thuan Thanh Eco-Smart IP có quy mô 250ha, nằm sát tuyến đường Vành đai 4, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2026. Sau khi Vành đai 4 đi vào hoạt động, Thuan Thanh Eco-Smart IP sẽ kết nối nhanh chóng đến Thủ đô Hà Nội (20 phút di chuyển), sân bay Nội Bài (40 phút di chuyển), cảng Hải Phòng (1 giờ 15 phút di chuyển). Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ: Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera – Điện thoại: (+84) 888 25 22 88 | Website: https://viglaceraip.com. |
Khánh Linh
Theo