Thứ bảy 21/09/2024 00:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tiềm ẩn nỗi lo lạm phát

11:25 | 29/12/2009


Nhóm hàng giao thông tăng giá cao nhất, lên tới 2,47%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng 12/2008, CPI tháng 12/2009 tăng 6,52%, còn nếu so với CPI trung bình của năm 2008, thì CPI trung bình của năm 2009 tăng 6,88%. Như vậy, dù so sánh ở dưới góc độ nào, vẫn có thể khẳng định, lạm phát trong năm nay đã được kiềm giữ tốt, thậm chí hơn cả mong đợi.

Tuy vậy, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong tháng 12/2009, lại không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, theo phân tích của ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khả năng CPI của quý I/2010 sẽ cao hơn tháng 12/2009, vì tháng 1, tháng 2 là tháng Tết và theo thông lệ, bao giờ CPI của hai tháng này cũng đứng ở mức cao.

Đây là nhận định nhận được sự đồng thuận của rất nhiều chuyên gia kinh tế. Rằng trong những tháng tới đây, giá cả không chỉ chịu tác động của sự tăng giá từ trong nội tại thị trường trong nước, mà còn có cả yếu tố nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Sự hồi phục ngày càng rõ nét hơn của kinh tế toàn cầu và Việt Nam là lý do cơ bản nhất để các chuyên gia kinh tế tiên đoán về khả năng tăng giá hàng hóa.

Thực tế cho thấy, CPI của tháng 12/2009 đã tăng tới 1,38% so với tháng 11/2009. Đây là mức tăng đột biến so với mức tăng 0,55% của tháng trước và là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Đáng chú ý, trong 11 nhóm hàng tính CPI, chỉ có duy nhất nhóm hàng bưu chính - viễn thông tiếp tục đà giảm giá, 10 nhóm hàng còn lại đều có CPI tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng giao thông tăng giá cao nhất, lên tới 2,47%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 2,06%.

Xăng tăng giá và những biến động về giá lương thực, xuất phát từ những tin đồn thiếu căn cứ về việc thiếu gạo, là những yếu tố được cho là tác động mạnh mẽ nhất đến CPI. CPI của giá gạo trong tháng 12 đã tăng tới 6,88% so với tháng trước. Cùng với đó, sự đảo điên của thị trường vàng, sự nóng bỏng của thị trường ngoại tệ cũng tác động lớn tới CPI trong tháng 12 này.

Số liệu thống kê cho thấy, tháng 12, chỉ số giá vàng tăng tới 10,49% so với tháng trước, trong khi tháng 11, giá vàng cũng đã tăng 10,08% so với tháng 10/2009. Như vậy, so với tháng 12 năm trước, giá vàng đã tăng tới 64,32% - một mức tăng kỷ lục. Trong khi đó, giá USD trong tháng 12/2009 tăng 3,19% so với tháng trước và tăng 10,7% so với tháng 12/2009.

Một yếu tố cũng được cho là tác động mạnh tới lạm phát của năm 2009 chính là chính sách nới lỏng tiền tệ đã đưa tổng dư nợ tín dụng cả năm lên tới 37,73%. Tiền trong lưu thông nhiều cũng là một trong những lý do đẩy mức lạm phát lên cao hơn.

Sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố này là nguyên nhân dẫn tới CPI tháng 12/2009 tăng cao, song đồng thời cũng là lý do để các chuyên gia bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ tái lạm phát trong năm tới, ít nhất là trong quý I/2010.

Theo ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, phải luôn luôn cảnh giác với nguy cơ tái lạm phát. “Khi nguy cơ tái lạm phát luôn tiềm ẩn, phải rất cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ”, ông Ân nhấn mạnh.

Điều đáng mừng là trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm tới, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, sẽ thắt chặt một cách linh hoạt, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong năm tới. Cùng với đó, năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung tín dụng cho các nhu cầu vay vốn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Điều này là để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009.

Đây là những biện pháp điều hành được cho là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, lời cảnh báo luôn được đưa ra, đó là phải thận trọng với nguy cơ tái lạm phát trong năm tới.

Nhật Hạ

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load