(Xây dựng) - Phố. Nghe cái tên thôi đã thấy xa hoa, mĩ miều. Phố. Nghe tên thôi đã gợi sự sầm uất, tấp nập. Và Phố, những tráng lệ, nguy nga của nhà cao tầng, biệt thự; những xô bồ của dòng người xuôi ngược; những inh ỏi còi xe gầm rú; những tiếng rao quà đêm ngọt lịm như rót mật. Và Phố, rộn ràng với nhạc xập xình có, du dương có; lung linh với những ánh đèn muôn màu sắc... Cứ nghĩ Phố mãi với những niềm vui say ngất bất tận, thế nhưng đâu ai hay Phố cũng có những ngày buồn. Đó là những ngày Phố trở bệnh.
Những ngày dịch bệnh lan tràn là những ngày Phố đau. Ngày đầu ủ bệnh, ngày vài chục tới vài chục ca dương tính, Phố bắt đầu thấy mình mảy đau nhức. Xe cộ đi lại thưa hơn, người cũng bớt ra đường hơn, đèn điện vẫn còn sáng nhưng tiếng nhạc dường như vắng. Đó là những ngày Phố đau âm ỉ. Những nỗi đau không hiện hình thường là những nỗi đau dai dẳng. Để rồi một ngày kia nỗi đau ấy không còn là âm ỉ nữa mà là sự bùng phát dữ dội, ngày ấy Phố oằn mình trong nỗi thương mang. Khắp cả cơ thể Phố, chỗ nào cũng trở thành tâm điểm của dịch. Phố bệnh thật rồi...
Xe cộ không còn ra đường như mọi khi. Tiếng nhạc và ánh đèn không còn đủ sức gợi cảm để mời mọc con người tụ tập. Và con người ta có thương nhau, nhớ nhau cũng đứng xa mà nhìn. Ánh mắt khắc khoải và nụ cười như có nước đằng sau lớp khẩu trang dày và bí hiểm. Con người ta buộc phải ngờ vực nhau trong cơn hoang mang tột độ. Buộc phải né tránh nhau trong cơn thèm khát yêu thương. Và buộc phải tàn nhẫn với chính mình và người thân kể cả một khi con người ta lìa trần vẫn không một ai đưa tiễn.
Phố khóc. Nỗi đau đến tận cùng rồi con người ta sẽ rơi vào câm lặng. Phố lặng thinh. Đó là những ngày phong thành. Ngày Phố giãn cách, có lẽ là những ngày đớn đau nhất. Con đường không người thấy xa vời vợi. Những đại lộ không còn ních chật những xe và người ngay cả giờ tan tầm. Đại lộ trở nên thênh thang trong nỗi cô độc. Những con hẻm trở nên sâu hun hút về đêm. Và cây cột đèn ngày nào có đôi trai gái hẹn thề bây giờ cũng trơ trọi phản ánh nhờ nhợ vàng.
Ngày Phố giãn cách, những hàng quán muôn màu sắc ngày nào giờ chỉ còn màu tiếc nuối đằng sau cánh cửa khép hờ. Ghế đá công viên không còn tiếng cười của lũ trẻ, không còn ánh mắt những cụ già tập dưỡng sinh liếc nhau tình tứ, và cả không còn những chiếc xe kem kèm theo vài chùm bóng bay. Vài chiếc lá vàng đậu buồn thiu một nỗi buồn cách li vô tận.
Ngày Phố giãn cách, vỉa hè như rộng thêm ra. Hương cà phê mỗi sớm mai không còn thoang thoảng, khói thuốc cũng chẳng còn bâng khuâng xoáy thành vòng tròn hư ảo trước khi tan vào không trung. Và cũng chẳng còn tiếng bấm máy lách tách của một nhiếp ảnh gia nào đó đang len lén chụp vội gương mặt của cụ già bán vé số ven đường.
Phố giãn cách, đêm trở về đêm đúng nghĩa. Phố thinh lặng trong màu u tối. Phố thèm lắm tiếng rao hàng đêm khuya khoắt: ai... tàu hủ... bánh đậu xanh... ai... hủ tiếu hông... Ôi... cái âm điệu ru hời bất tận đã ru Phố qua mấy trăm năm từ khi Phố có tuổi giờ rơi đâu mất. Phố chìm trong quay quắt nhớ nhung. Phố thèm lắm những lời rao âu yếm ấy. Thèm như thèm một ánh mắt người tình sau bao ngày ngóng đợi. Phố rầu rĩ úa nhàu trong nỗi quặn thắt từng cơn. Những hàng me, hàng phượng vĩ và xà cừ mới ngày nào còn lơi lả trong niềm hân hoan đón hè với tiếng ve ca thán mùa li biệt, giờ cũng ca vẫn bài ca mùa cũ ấy nhưng nghe sao bồn chồn quá. Phượng thèm một cành tay nào đó vin hái. Me thèm một cái tựa lưng nào đó của một bóng yêu kiều nghiêng vành nón lá. Giờ tất cả đều nghe xa lắc trong niềm nhớ nhung vô định.
Phố đau. Những cánh chim sẻ, bồ câu lang thang sẽ không còn giật mình bay thoảng thốt. Không khí chẳng còn bàng hoàng trong ô nhiễm. Những cơn mưa bất chợt không còn trêu đùa cho đôi tình nhân chạy vội. Và con người cũng chẳng còn xô lấn trong cuộc mưu sinh. Nhưng như thế thì Phố còn gì là Phố. Nếu con người ta chỉ đóng cửa an phận trong những con biệt thự, biệt phủ để tìm niềm an yên cho chính họ và gia đình thì những ánh mắt nơi vỉa hè sẽ thêm bần thần, hoang dại biết bao nhiêu. Và nếu Phố không còn xô lấn trong cuộc mưu sinh thì những mảnh đời bất hạnh lê la sẽ về đâu khi đèn đường vụt tắt. Phố buồn trong âm điệu buồn thương ca của mùa trời phẫn nộ. Biết làm sao khi còn đó những yêu thương nhưng phải xa cách nghìn trùng? Biết làm sao khi còn đó những khát khao và ước vọng nhưng phải dở dang mà không phải dở dang vì lòng người thôi không gắng sức? Thương Phố...
Bảy ngày, chín ngày, mười bốn ngày, hai mốt ngày, hay còn lâu hơn nữa... Bao giờ Phố thôi đau? Bao giờ Phố lại thay tiếng còi cứu thương bằng tiếng rao hàng ngọt lịm? Bao giờ Phố thay những bóng áo trắng đi lại vội vàng bằng những bóng hồng lả lướt? Hay đến bao giờ những biển báo biển cấm sẽ nhường chỗ cho em bé đi lại lũn cũn bên cụ già móm mém cười? Đến bao giờ Phố tìm lại mình nơi cửa mở toang với những hoa lệ, những sầm uất, những rộn ràng vui bất tận? Bao giờ???
Trong cơn đau Phố vẫn mơ về một ngày bình thường mới. Ngày bình thường ấy Phố sẽ chan thương nhớ lên tiếng cười trong veo của cậu bé đánh giày nơi hàng quá ven đường; Phố sẽ sớt yêu thương vào để tiếng rao đêm dài hơn, ngọt hơn, và sâu bất tận; Phố sẽ sớt niềm hạnh phúc để em bé không còn co ro ngủ bên vỉa hè, trên xe ba gác hay trên ghế đá công viên trong đêm cô tịch... Rồi Phố sẽ dang những con đường ôm chặt lấy người và xe để Phố thôi không còn đơn lạnh trong thinh vắng; và Phố lại trỗi nhạc, Phố lại phơi màu trên những đèn đường biển hiệu... ngày đó Phố sẽ thật lung linh, thật xênh xang trong khuôn mặt mới, bộ quần áo mới, sẽ hân hoan trong ngày khi thôi không còn giãn cách. Phố mơ trong niềm đau; Phố hoài vọng; Phố khắc khoải, niềm khắc khoải bình thường.Thương Phố ngày phong thành… Thương Phố những ngày đau...
Thanh Tuân
Theo