Thứ sáu 29/03/2024 22:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam

19:51 | 09/06/2021

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của tọa đàm do Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, chuyên trang Quản lý môi trường thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức sáng ngày 9/6, dưới hình thức trực tuyến.

thuc trang va giai phap xu ly rac thai nhua tai viet nam
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua đã có nhiều các doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học, các nhà quản lý… hưởng ứng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đóng góp vào việc giảm thiểu chất thải nhựa, từng bước hướng tới quản lý, tái chế chất thải nhựa để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Lê Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Cục Biển và hải đảo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, các tiêu chuẩn, quy chuẩn… nhằm quản lý rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,…); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế).

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Lê Tuấn, những chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hết tác dụng trong việc thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Cụ thể, cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thiếu và chưa thu hút được các nguồn đầu tư cho thu gom, xử lý chất thải rắn. Cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilon thân thiện với môi trường còn thiếu…

Do vậy, trong thời gian tới, nhằm khắc phục những vấn đề mang tính thực tiễn và cốt lõi hiện nay, cần quản lý theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm nhựa, lấy kinh tế tuần hoàn nhựa làm trung tâm, từ đó đưa ra hình thức, phương pháp can thiệp vào mỗi giai đoạn, cụ thể bằng những quy định, cơ chế, chính sách trong sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm nhựa, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ việc tái sử dụng, tái chế, thúc đẩy công tác xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm.

Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).

Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 1990 – 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người/năm.

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ vào 3 lĩnh vực, đó là: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần; công nghệ tái chế rác thải nhựa, túi nilon.

thuc trang va giai phap xu ly rac thai nhua tai viet nam
Tọa đàm trực tuyến (Ảnh: Moitruongvadothi.vn).

Chia sẻ về khó khăn trong công tác thu gom rác thải nhựa, ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Đặc thù rác thải nhựa thường cồng kềnh, kho vận chuyển và lưu trữ hạn chế; Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán; Chưa có kinh phí trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như gói hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư hệ thống tái chế; Nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế; Tại Hà Nội, chưa đồng bộ trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đưa ra các kiến nghị: Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, cơ quan quản lý cấp trên cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể cho từng hạng mục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (72/2020/QH14); Ban hành đề án giá dịch vụ, nâng mức giá dịch vụ theo tiến trình và người phát thải phải chi trả đủ chi phí từ khâu thu gom đến xử lý cuối cùng. Phía chính quyền cần tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực thi việc xử phạt theo Nghị định số 155/NĐ-CP; UBND các quận tiếp tục xem xét, bố trí quỹ đất để làm điểm sang tải rác từ đó giảm điểm cẩu tập trung và các hạ tầng dành cho dịch vụ vệ sinh môi trường; Xem xét lại kinh phí chi cho lĩnh vực duy trì vệ sinh môi trường, ban hành giá các hạng mục theo đúng cơ chế tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá.

Để giải quyết khó khăn trong thu gom, quản lý chất thải nhựa, ông Phạm Văn Đức kiến nghị cụ thể: Cần hỗ trợ kinh phí và các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đối với các dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa; Bổ sung kinh phí cho việc phân loại rác trong các gói thầu vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, các diễn giả tham gia tọa đàm cũng đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; các cấp có liên quan cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Bênh cạnh đó, Công ty Welle cũng đã giới thiệu công nghệ MYT của Đức thích ứng với điều kiện xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở nước ta. Đây là công nghệ phù hợp để xử lý rác thải không phân loại (loại rác có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp, hàm lượng nhựa cao).

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load