(Xây dựng) - Trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ gắn liền với việc ứng dụng các thành tựu như: Kết nối vạn vật, thực tế ảo, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… công tác quản lý, sản xuất vật liệu xây dựng của ngành Xây dựng nói chung và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng trở nên toàn diện, khoa học và minh bạch hơn. Việc ứng dụng tiến bộ mới về công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, chi tiết, chính xác mọi thông tin cần thiết trong mọi thời điểm, đồng thời tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm…
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất vật liệu xây dựng là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp xây dựng. |
Những năm gần đây, ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành vẫn còn gặp nhiều thách thức như công tác dự báo còn bất cập, công nghệ sản xuất trong một số lĩnh vực còn lạc hậu...
Để phát triển bền vững ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã tiên phong ứng dụng những công nghệ sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng, ngay từ khi tiến hành xây dựng nhà máy, doanh nghiệp đã rất chú trọng tới việc lựa chọn công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, sản xuất, bán hàng… Vì vậy mà toàn bộ các dây chuyền, máy móc trong nhà máy đều được quản lý, điều hành thông qua hệ thống máy móc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Các thông số sản xuất, giám sát của nhà máy đều được cài đặt tại phòng điều khiển trung tâm (CCR). Tất cả các hoạt động của thiết bị trong dây chuyền sản xuất được giám sát & điều khiển từ phòng CCR thông qua các thiết bị đo lường & điều khiển nhập khẩu.
Trong nhà máy, đầu tư lắp đặt hệ thống camera được liên kết trực tiếp đến văn phòng của các bộ phận trong nhà máy để thuận tiện cho việc theo dõi và có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất lẫn điều hành các công việc liên quan. Hệ thống thông tin đã phát huy hiệu quả kinh tế từ khâu điều hành sản xuất đến khâu bán hàng, giúp kiểm soát hiệu quả nhất chất lượng sản phẩm, giảm thiểu thời gian, giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hay việc ứng dụng phần mềm quản lý dây chuyền sản xuất gạch không nung cũng đã được một số doanh nghiệp tính đến. Dựa trên quy trình sản xuất, một số thông tin về diễn biến sản xuất có thể được thu thập, theo dõi, thống kê trên phần mềm quản lý sản xuất. Đó là: trọng lượng các nguyên liệu được trộn để tạo ra sản phẩm, tỉ lệ nguyên liệu, thời gian - tốc độ trộn nguyên liệu, thời gian ép, lực ép, số viên gạch đạt yêu cầu được sản xuất.
Các thông tin diễn biến sản xuất được chuyển đổi số bằng cách lưu lại, phân tích và đánh giá mang đến cái nhìn cụ thể và đẩy đủ hơn cho các nhà máy về cơ hội tăng hiệu quả sản xuất.
Ví dụ, với lượng nguyên liệu quá trình sản xuất đã tiêu thụ, nhà máy tính toán ra chi phí sản xuất, giá thành một mẻ gạch. Lượng nguyên liệu tiêu thụ cũng giúp cho nhà máy biết được trong kho các nguyên liệu còn lại bao nhiêu. Hoạt động thống kê nguyên liệu giảm lãng phí nhân công để thu thập và xử lý số liệu thủ công.
Một ví dụ khác, với thông tin về tỉ lệ nguyên liệu, thời gian - tốc độ trộn, lực ép lại phản ánh chất lượng gạch sản xuất ra. Thông số quá trình sản xuất gạch hỗ trợ kiểm tra chất lượng gạch tiết kiệm thời gian và chính xác hơn. Bởi vì, các đơn vị kiểm tra thành phẩm thông qua đo đạc độ hút nước, chỉ số chịu lực ngẫu nhiên một số viên gạch hoàn thiện. Và như vậy có thể xảy ra khả năng bỏ sót nhiều viên gạch không đạt yêu cầu. Trong khi đó, nếu kiểm tra thông số sản xuất, nhà máy có thể kiểm tra được chất lượng mọi viên gạch.
Bắt nhịp công nghệ 4.0 trong kinh doanh, một số doanh nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR, VR) vào việc kinh doanh và nắm bắt tâm lý khách hàng, đó là ứng dụng hệ thống mua hàng trực tuyến qua mạng Internet. Khách hàng không cần trực tiếp đến đại lý hay nhà cung cấp vẫn có thể lựa chọn được những dòng sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng.
Qua kênh bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp cập nhật được khá nhiều phản hồi hữu ích từ phía khách hàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì sản phẩm hay giá cả cạnh tranh trên thị trường. Nhờ thế, sẽ kịp thời có những điều chỉnh, khắc phục để đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thị trường.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển nếu không muốn bị “đào thải”.
Đồng quan điểm trên, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, lợi thế của doanh nghiệp chính là ứng dụng thành công giá trị khoa học công nghệ sản xuất trong cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm trong các khâu đầu vào, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Vật liệu xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh…
Linh Đan
Theo