(Xây dựng) – Từ ngày 16/12, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế bắt đầu có mưa to, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 200 - 300m3/s, khống chế mực nước tại Phú Ốc dưới +2,7m.
Nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần để phòng mưa lớn. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường; đồng thời căn cứ mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền, lúc 9h sáng 16/12 là +57,97m, lưu lượng đến hồ 271m3⁄s, lưu lượng điều tiết về hạ du qua tuabin phát điện 179m3/s nên Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có lệnh yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền điều tiết xả nước theo quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sẵn sàng đón lũ.
Theo đó, từ 13h chiều 16/12, hồ thủy điện Hương Điền xả nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 200 - 300m3/s. Thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm thủy văn Phú Ốc để điều chỉnh lưu lượng điều tiết theo lệnh, khống chế mực nước tại Phú Ốc dưới +2,7m.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa, khoảng 14h ngày 01/12, tại nhà máy thủy điện Hương Điền đã xảy ra sạt lở tại vị trí cách chân đập thủy điện từ 60 - 200m, với khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000m3.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, công trình nhà máy thủy điện Hương Điền không có dấu hiệu bất thường, tuy nhiên để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền. Tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên và tiến hành thi công khắc phục sớm, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác.
Khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tiến hành gia cố tổng thể toàn bộ vai trái đập, để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo...) đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Trí Đức
Theo