(Xây dựng) - Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương, tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp phải đầu tư hoàn thành hạ tầng xử lý nước thải tập trung, nếu chủ đầu tư nào chưa hoàn thành sẽ không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ trì buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Ngày 27/5, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ trì buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch là 3.050ha. Diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.000ha; diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 326ha, diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê theo quy hoạch là 1.660ha; diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê mà đã đầu tư hạ tầng 235,7ha.
Ban Quản lý khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp phải đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch trong năm 2021. Trường hợp đến hết năm 2021, nếu các Khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung thì không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với những Khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp, như khu tiểu thủ công nghiệp thuộc Khu công nghiệp La Sơn, Khu công nghiệp Phú Đa, Khu A - Khu công nghiệp Phong Điền... việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp rất khó khăn do diện tích đất còn lại ít, đầu tư không hiệu quả. Vì vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương đối với các Khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp phải thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trao đổi với lãnh đạo tỉnh. |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các nhà đầu tư hạ tầng đã báo cáo tổng quát về tình hình triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn các Khu kinh tế, Khu công nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; đồng thời có một số đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công hạ tầng kỹ thuật.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…
“Phải hướng tới xây dựng các khu công nghiệp tại Thừa Thiên - Huế có giá trị gia tăng cao, là những Khu công nghiệp xanh, Khu công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương chúng ta đang hướng đến là xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định .
Khu công nghiệp Phong Điền do Viglacera làm chủ đầu tư. |
Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các nhà đầu tư cần khẩn trương, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng mới tạo sức hấp dẫn của nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh... Ngoài ra, những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị các nhà đầu tư phải đăng ký nhu cầu sử dụng đất của mình với UBND các huyện, thị xã để địa phương có kế hoạch giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phải lắng nghe và kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc; những vấn đề gì cần thiết phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trí Đức
Theo