Thứ năm 25/04/2024 14:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thừa Thiên - Huế: Cửa biển bị bồi lấp khiến tàu thuyền mắc cạn

11:03 | 07/06/2022

(Xây dựng) - Cửa biển Lạch Giang ở xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) mặc dù đã từng được nạo vét, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền thuận lợi ra vào, nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại liên tục bị bồi lấp khiến tàu thuyền không thể ra khơi...

thua thien hue cua bien bi boi lap khien tau thuyen mac can
Cửa Lạch Giang bị bồi lấp khiến tàu thuyền của ngư dân ra vào khó khăn.

Ông Huỳnh Phước Dũng – Vạn trưởng thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) cho biết: Cửa biển Lạch Giang trước đây rộng và sâu, nhưng từ khi xây dựng tuyến đường ra Bến số 3 cảng Chân Mây cửa biển đã bị bồi lấp, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Cửa lạch luôn bị bồi lấp, dòng chảy bị thu hẹp khiến hơn 300 tàu thuyền ở thôn Bình An 1, Bình An 2, Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) ra vào gặp khó khăn. Mùa nắng nước cạn tàu thuyền ra vào rất dễ mắc cạn gây nguy hiểm. Tàu thuyền muốn ra, vào của biển phải đợi nước lên.

Năm 2016, dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Khi dự án hoàn thành, ban đầu tàu thuyền của ngư dân ra vào thuận lợi, nhưng sau thời gian ngắn cửa biển tiếp tục bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền không thể ra vào. Mùa mưa bão năm 2021, khi tàu ông Võ Lào, ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) đang trên đường vào bờ bất ngờ bị mắc cạn. Ngay sau đó, cả hai thuyền nhanh chóng bị sóng đánh chìm, gãy bánh lái, hư hỏng nặng. Tại hiện trường, cửa biển Lạch Giang bị bồi lấp rất nghiêm trọng, cửa lạch bị thu hẹp, người dân có thể qua lại được.

Ông Phan Văn Nam - Trưởng thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh cho biết: Cửa Lạch Giang bị bồi lấp trở lại nhiều tháng nay, khiến tàu thuyền ra vào gặp khó khăn. Các tàu thuyền muốn ra vào phải đợi nước lên, ngư dân trong vùng không thể chủ động được thời gian ra vào. Nếu không có phương án chỉnh trị, nạo vét, xây kè kịp thời, ngư dân xã Lộc Vĩnh sẽ gặp khó khăn kéo dài.

thua thien hue cua bien bi boi lap khien tau thuyen mac can
Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ chờ nước lên mới ra khơi khai thác, đánh bắt thủy sản.

Ông Nguyễn Xuân Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: Kiểm tra thực tế cửa biển Lạch Giang, UBND xã nhận thấy cửa biển ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng từ kè gia cố ra cửa lạch khoản 40m làm hẹp dòng chảy. Tình trạng bồi lấp kéo dài khiến lượng đất đá đã làm cạn dòng chảy cách từ bờ ra phía biển khoảng 25m. Phía trước cửa Lạch Giang hiện nay đã bị cát lấp cạn, khi thủy triều xuống ghe thuyền của ngư dân không di chuyển ra vào cửa lạch để đánh bắt thủy hải sản. Cửa biển Lạch Giang bồi lấp làm ảnh hưởng lớn đến cửa sông Lạch Giang mới khai thông. Thời gian này đang vào mùa hè, mực nước thấp và dòng chảy yếu, có thể ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng gây nguy hiểm, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Trao đổi với ông Phan Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng - Ban Quản lý Khu kinh tế và Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển sông Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh. Dự án triển khai thi công 220m kết cấu kè bờ tả và 220m mỏ hàn chắn cát bằng kết cấu bao tải kỹ thuật, nạo vét tuyến kênh dài 583m, bề rộng từ 38-61m, cao trình đáy nạo vét -0,86m đến -1,06m. Dự án hoàn thành cuối năm 2018 đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân trong vùng ra vào tại cửa biển Lạch Giang.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng phê duyệt và Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực cửa biển Lạch Giang nằm trong khu vực xây dựng Bến cảng số 6 và 7. Nhằm để giảm thiểu tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất phương án xử lý nhằm duy tu, nạo vét luồng lạch hàng năm để đảm bảo cho tàu thuyền của ngư dân ra vào được an toàn.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load