Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với các địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương.
Về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong và các đồng chí lãnh đạo Thành phố.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự.
Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận về báo cáo, đề xuất của Thành phố. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung, đòi hỏi chất lượng cao, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thủ tướng cũng lưu ý, Thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống COVID-19.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những tháng đầu năm, Thành phố đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm, đã xây dựng kế hoạch triển khai chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Thành phố tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm đạt 329.636 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). Trong 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 2,6%), 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; xuất khẩu hàng hóa 15,5 tỷ USD, tăng 14%. Lượng khách du lịch nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, tăng 17%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 1,1 tỷ USD, có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, công tác chống dịch COVID-19 được triển khai tốt. Liên quan các chuỗi lây nhiễm từ ngày 27/4 tới nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam.
Thời gian tới, Thành phố xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là “cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển dài hạn”, giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, kết hợp hài hòa phòng ngự và tấn công, tấn công là chính. Đến nay, Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 59.000 người.
Thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm. Chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó cho tình huống dịch bệnh lan rộng, nâng năng lực cách ly tập trung lên 10.000 người. Xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm công suất lấy 50.000 mẫu/ngày, bảo đảm công suất xét nghiệm 15.000 mẫu/ngày và khi cần có thể huy động công suất xét nghiệm lên 50.000 mẫu/ngày.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thành phố đối diện nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, TPHCM phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố nhắc tới sự quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố. Thành phố có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, Thành phố là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,7 lần so với bình quân cả nước), song tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ so với bình quân cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.
Thành phố là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự an toàn xã hội với nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến ma túy rất phức tạp, là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác.
Kinh tế Thành phố có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ luôn là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19.
Về nhiệm vụ thời gian tới, để hoàn thành kế hoạch năm 2021, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên, trong những tháng còn lại, Thành phố xác định sẽ phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn.
Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" đã đề ra, triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế Thành phố. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phồ lần thứ XI. Chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Tiếp tục triển khai đồng bộ thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức và các quận huyện.
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hoàn thành Đề án trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông - thành phố Thủ Đức thành “hạt nhân”, một cực tăng trưởng mới, năng động, sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tập trung đẩy mạnh công tác tổ chức lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060, đồng bộ với việc hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khởi công các dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Triển khai các chương trình, dự án phát triển hạ tầng nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn.
Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng , an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình KT-XH trên địa bàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
TPHCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Các kiến nghị này liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
TPHCM cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể liên quan tới phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển Thủ Đức, chuyển quỹ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; về dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài, các dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án Vành đai 4. Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức…
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TPHCM tiếp tục có đóng góp lớn nhất cho cả nước về quy mô kinh tế và thu ngân sách, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thành phố đang có xu hướng chậm lại trong những năm qua.
Trong khi đó, tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các địa phương trên cả nước là phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TPHCM.
Theo Hà Văn/BaoChinhphu.vn
Link gốc: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-lam-viec-voi-TPHCM/431067.vgp