Thứ ba 05/11/2024 23:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk

18:53 | 18/08/2024

(Xây dựng) – Chiều 18/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2024.

Thủ tướng: Đắk Lắk cần tạo xung lực phát triển nhanh, xanh, hài hòa, bền vững
Thủ tướng trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác về tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Năm 2024 là cột mốc quan trọng khi tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm xây dựng và phát triển. Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững,” tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.

Thủ tướng: Đắk Lắk cần tạo xung lực phát triển nhanh, xanh, hài hòa, bền vững
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu được đánh giá, còn 6 chỉ tiêu sẽ được đánh giá vào cuối năm. Cả 10 chỉ tiêu được đánh giá đều có mức tăng trưởng so với năm 2023. Dự báo đến cuối năm 2024, đa số các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Trong số đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 4,04%.

UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng... Công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến ngày 31/7 đạt 38,9% kế hoạch. Tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư giao thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn là hơn 4.500 tỷ đồng.

Các hoạt động văn hóa, đối ngoại, an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, nổi bật là các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo, mong muốn thúc đẩy tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trong thời gian tới; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm trình ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản đã đạt được mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trên nhiều lĩnh vực; kết cấu hạ tầng còn hạn chế, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn; tiềm năng nhiều, nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng…

Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra và còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Doanh nghiệp phát triển chưa nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức cao so với cả nước và vùng Tây Nguyên. Tình hình người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra...

Về mục tiêu phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm trên cơ sở thu hút, huy động nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng là: (i) Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; (ii) Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; (iii) Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; (iv) Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển kinh tế - xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các loại tài nguyên khác; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng: Đắk Lắk cần tạo xung lực phát triển nhanh, xanh, hài hòa, bền vững
Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc, người làm công tác dân tộc.

Cùng với đó, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk phát huy tinh thần "6 tăng cường".

Theo đó, tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc vùng Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

Đồng thời, tăng cường cơ chế huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, thời gian đi lại, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên, chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thành thị.

Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực với nguồn vốn đa dạng để đầu tư, hoàn thành 1.900 km cao tốc cho khu vực Tây Nguyên trong những năm tới, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch để có thể làm sớm hơn so với dự kiến.

Hưng Thịnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load