Thứ sáu 19/04/2024 12:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủ tướng chỉ thị nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

21:28 | 09/07/2021

(Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

thu tuong chi thi nang cao nang luc cho luc luong xung kich phong chong thien tai cap xa
Ảnh minh họa.

Chị thị nêu: Thời gian vừa qua, thiên tai diễn biến phức tạp, trên khắp các vùng miền cả nước. Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên nghiệp của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã có vai trò nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là trong đợt mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng tại miền Trung năm 2020. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc triển khai còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả hoạt động hạn chế, đồng thời gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm chủ động công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, đồng thời thực hiện quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện thực tế và loại hình, diễn biến, phương án ứng phó thiên tai của địa phương để chỉ đạo triển khai xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo quy định của pháp luật, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, không làm phát sinh bộ máy, tránh hình thức, lãng phí.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, trong đó tập trung công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng và từng bước trang bị công cụ, phương tiện cần thiết để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã khi tham gia thực thi nhiệm vụ.

Bố trí ngân sách địa phương, Quỹ Phòng chống thiên tai và huy động các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác đào tạo, tập huấn và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng xung kích khi được huy động thực hiện nhiệm vụ.

Xây dựng mô hình điểm Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại các địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng xung kích; tiếp tục phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan xây dựng các mô hình điểm Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đại diện cho các vùng miền và chỉ đạo triển khai nhân rộng.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng tài liệu tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng xung kích; lồng ghép việc tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai trong việc tập huấn, huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ.

Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn cơ quan công an địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức, sử dụng lực lượng công an xã phối hợp với các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội, đoàn thể tại địa phương phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp triển khai xây dựng, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho lực lượng xung kích tại cơ sở.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương khi có khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng và triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Đường vành đai 3, 4 TP.HCM triển khai tối đa theo phương thức PPP

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật).

Đó là nội dung Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc về triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông báo nêu rõ, đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh là các tuyến giao thông có vai trò hết sức quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có tuyến đường đi qua cũng như các tỉnh, thành phố lân cận; đây là tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Sau 1 tháng kể từ buổi làm việc ngày 14/5/2021 (Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 4/6/2021), Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan đã tích cực triển khai các giải pháp, đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn còn chậm, chưa đạt được sự thống nhất bằng văn bản giữa Bộ Giao thông vận tải với các địa phương có các tuyến đường đi qua, làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Để tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ trong thời gian qua nhằm sớm hoàn thành 2 tuyến đường này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 4/6/2021; khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2021.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp, tránh đi qua các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu di tích lịch sử, đường hiện hữu đi qua khu đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng; đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp..., thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.

Ủy ban nhân dân các địa phương có các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 đi qua khẩn trương chỉ đạo đơn vị đầu mối tại địa phương làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án thành phần để chủ trì triển khai thực hiện (Ủy ban nhân dân các địa phương chủ trì quản lý đầu tư dự án hoặc là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP) theo đúng quy định của pháp luật; trong quá trình triển khai đầu tư, lưu ý triển khai đồng thời các dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 theo điều kiện của từng địa phương, sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để các địa phương triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ quỹ bảo hiểm xã hội, phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (hoặc trái phiếu Chính phủ theo hình thức cho các địa phương vay lại) và các nguồn vốn khác để Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án tuyến đường vành đai theo quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3 và vành đai 4; tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần, định kỳ 6 tháng báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, chỉ đạo. Trong đó nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo chung do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng ban Chỉ đạo, cùng với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan để điều phối chung triển khai đầu tư xây dựng các tuyến vành đai nêu trên.

Quy chế hoạt động của BCĐ phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Ban Chỉ đạo Trung ương).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành Chương trình và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện.

Ban Chỉ đạo Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án.

Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kết luận và chỉ đạo thực hiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng bộ máy của các cơ quan để hoạt động.

Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt tại Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể của Chương trình và các nội dung có liên quan của Đề án.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng đã ký ban hành Chưong trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (các bộ, cơ quan Trung ương), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Cụ thể, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công; kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo ở các cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể; tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân liên quan và người dân về Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể; tham mưu, đề xuất các giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện Chương trình, nhất là nguồn vốn ODA và huy động thêm nguồn vốn từ xã hội hóa, đóng góp hợp pháp của cộng đồng để bổ sung cho Chương trình.

Đồng thời, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình năm 2021.

Rà soát các mỏ, bảo đảm đủ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tại Thông báo 179/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh liên quan khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân; trong thời gian qua, được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, cả nước đã có 1.163 km đường cao tốc. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (là Dự án quan trọng quốc gia, được Bộ Chính trị có kết luận và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) đang rất thuận lợi và đã đạt những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đến nay còn 4 dự án chưa khởi công, trong đó 2 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); tiến độ dự kiến chậm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017; thực tiễn triển khai có một số khó khăn như: Ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng; nguồn cung vật liệu và việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật các ngành điện lực, viễn thông còn chưa đạt tiến độ...

Để góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (đến năm 2030 cả nước có khoảng 5 nghìn km đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025) và đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, bàn giao mặt bằng phần khối lượng còn lại (2,2%) theo đúng cam kết cho các nhà thầu thi công (chậm nhất ngày 30/7/2021), không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, nhà thầu về thiết kế, bản vẽ, nút giao, kết nối... Nghiên cứu nguồn vật liệu thay thế, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thi công; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hằng tuần tổ chức giao ban với các địa phương, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, nhà thầu và các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel để kiểm điểm tiến độ thực hiện; hằng tháng, tổng hợp báo cáo, trình Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nâng công suất mỏ vật liệu; báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác đất, đá tận dụng từ nền đường đào... theo đúng quy định; chủ trì thành lập 5 Đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng Nghị quyết số 60/NQ-CP và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021.

Bộ Xây dựng khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị giá cả vật liệu xây dựng, giá thép, có văn bản hướng dẫn kịp thời theo quy định.

Công nhận huyện Yên Mô (Ninh Bình) đạt chuẩn Nông thôn mới

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định công nhận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Yên Mô tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Yên Mô đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM; xã Yên Từ và Yên Hòa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện đã đạt 9/9 tiêu chí của huyện NTM theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 12/2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 51 triệu đồng/năm, tăng 37 triệu đồng so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,75%. Chất lượng lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy./.

Hạ Nhiên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load