Tỉnh Hà Giang đề xuất thu phí du khách tham quan công viên địa chất nhằm góp phần bảo tồn thắng cảnh. Tuy nhiên, việc thu phí du khách tham quan là một vấn đề không đơn giản và đối mặt với nhiều thách thức.
Ở những địa phương như Hà Giang thế mạnh du lịch đến nay vẫn thuần túy là cảnh quan thiên nhiên, và văn hóa bản địa. Các loại hình dịch vụ, hàng hóa để du khách phải chi tiền còn rất hạn chế.
Vì thế việc thu phí du khách tham quan là điều buộc phải thực hiện để bổ sung nguồn thu nhằm phục vụ mục đích giữ gìn môi trường, cảnh quan. Tuy nhiên, thu phí du khách tham quan như thế nào để vừa đạt mục đích của địa phương, vừa không phản cảm với du khách là vấn đề "cân não".
Vì, cho dù khoản phí không lớn, nhưng thu thế nào để không tạo cảm xúc tiêu cực đối với du khách, không tạo ra xung đột lợi ích giữa các nhóm khác nhau trong cộng đồng là điều khiến cho rất nhiều địa phương, dù muốn, vẫn e ngại với quyết định này.
Một du khách đến từ miền Tây chụp hình lưu niệm tại Dốc Thẩm Mã, Hà Giang (Ảnh: H. A). |
Một mối lo ngại khi triển khai thu phí du lịch ở Hà Giang là tác động tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu mức phí được thu không quá nhiều, ví dụ vài chục nghìn đồng cho một khách với mỗi ngày lưu trú trên địa bàn thì không tác động nhiều tới quyết định của du khách. Hơn nữa, doanh thu từ thu phí được tái đầu tư vào ngành du lịch của thành phố, dẫn đến sự gia tăng tổng thể trong hoạt động kinh tế.
Một trong những lợi ích chính của việc thu phí du lịch ở Hà Giang là khả năng tái đầu tư doanh thu có được vào các nỗ lực bảo tồn môi trường. Doanh thu thu được từ phí du lịch có thể được sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường tự nhiên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho hệ sinh thái địa phương mà còn góp phần vào sự bền vững lâu dài của ngành du lịch Hà Giang.
Nếu được khai thác và quản lý một cách hiệu quả, thu phí sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và du khách. Việc này có thể giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch cho du khách đến tham quan Hà Giang.
Ý kiến công chúng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách du lịch của một địa phương. Tuy nhiên, quan điểm của cộng đồng cũng phụ thuộc vào cách thông tin được truyền tải.
Nếu chính quyền địa phương có thể giải thích rõ ràng về mục đích và tác động của việc thu phí đối với sự phát triển du lịch và bảo tồn môi trường, sự đồng thuận của công chúng là điều có thể đạt được. Ví dụ như, chính quyền địa phương đảm bảo được tính chính danh của mục đích thu phí bằng cách gọi tên trực tiếp là Phí an ninh, môi trường và tái tạo cảnh quan công viên đá.
Việc thu phí du khách cũng có thể dẫn đến những câu hỏi về tính minh bạch của hoạt động thu phí cũng như nguồn quỹ thu về. Để có sự ủng hộ của dư luận, chính quyền địa phương cần phải có chính sách và quy trình rõ ràng về việc thu phí, đồng thời tạo ra các cơ chế giám sát và kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong việc quản lý việc sử dụng nguồn thu này. Các nguồn thu cần được sử dụng đúng mục đích, như làm sạch và bảo vệ môi trường, phục vụ cho hoạt động du lịch và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Việc thu phí du khách khi đến tham quan các khu vực cảnh quan thiên nhiên đang trở thành một vấn đề đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu nhìn từ khía cạnh đạo đức, việc thu phí này gây ra sự đánh đổi giữa việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và sự thiện cảm của du khách.
Một chính sách thu phí quá cao sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng khách du lịch, góp phần tạo ra sự bất bình đẳng. Một chính sách thu phí quá ngặt nghèo như dựng barie, kiểm soát chặt chẽ du khách để đảm bảo không thu thiếu, thu sót… sẽ khiến du khách cảm thấy thiếu sự tôn trọng, mất thiện cảm. Vì vậy, tôi cho rằng việc thu phí này cần được tiến hành một cách tinh tế, tuyệt đối không hình thành một đội ngũ công vụ trực tiếp thu phí.
Theo đó, Hà Giang cần có một nền tảng thu phí điện tử, để du khách có thể nộp phí online, tương ứng với số ngày họ lưu trú tại khu vực cao nguyên đá. Việc kiểm soát cần dựa trên sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của du khách và những cơ sở lưu trú trên địa bàn. Du khách có thể trả phí online và được xác nhận điện tử. Khi đăng ký checkin cơ sở lưu trú thì trình xác nhận đã đóng phí du lịch và được chấp nhận checkin.
Với hình thức này, địa phương sẽ phải chấp nhận những khả năng thu sót, có thể không thu được phí của những người chỉ đến tham quan trong ngày, không lưu trú. Bù lại, du khách không phải đối diện với cảm giác khó chịu khi bị chặn lại để soát vé.
Để làm được việc này, địa phương cũng cần có sự hợp tác tự nguyện của các cơ sở lưu trú thông qua việc từ chối nhận khách nếu chưa trả phí du lịch. Đây có thể là một rào cản quan trọng, song nếu có kế hoạch và thông điệp truyền thông đủ tốt về trách nhiệm của du khách và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại địa phương, vấn đề này sẽ không còn khó nữa.
Theo Phạm Trung Tuyến/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/thu-phi-vao-cao-nguyen-da-ha-giang-20230622190412694.htm