Thứ bảy 23/11/2024 03:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng

20:33 | 19/06/2020

Chiều 19/6, với 92,13% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

thong qua nghi quyet ve thi diem mo hinh chinh quyen do thi da nang
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 19/6, với 92,13% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 1 và Điều 8 của dự thảo Nghị quyết với số phiếu tán thành cao.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày, cho thấy Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về chủ trương thí điểm; về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương các cấp ở thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và một số nội dung khác.

Một nội dung lớn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chính là vấn đề cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương các cấp ở thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm, bởi việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là vấn đề rất quan trọng, cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, nơi nào đủ điều kiện, được sự đồng thuận, thống nhất cao thì mới triển khai thực hiện.

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố có không quá hai Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách tại mỗi Ban.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Để áp dụng được cơ chế này thì cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, do đó chưa đưa quy định cụ thể về nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường; bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Nghị quyết Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng gồm 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Như vậy, với Nghị quyết mới được thông qua này, cả nước có hai địa phương thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng./.

Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load