(Xây dựng) - Mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An sẽ rất khó khăn và kéo dài khi mà địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thực hiện đấu giá đất ở cho người dân đang thiếu vắng sự ủng hộ, giúp đỡ sát sao của người dân và thị xã Hoàng Mai.
Thiếu lớp học mầm non, các cháu nhỏ xóm Đồng Minh phải học nhờ tại Nhà văn hoá của xóm (Ảnh: HL)
Cái khó bó cái khôn
Quỳnh Lập là xã ven biển thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Xã có diện tích hơn 22 km², dân số năm 2014 là 10.500 người, mật độ dân số khoảng 470 người/km², thu nhập bình quân năm 2015 khoảng 25.000.000 đồng/người (tăng 11.700.000 so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn hơn 3% (năm 2010 là hơn 8%).
Người dân trong xã chủ yếu là ngư dân và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá như: đá lạnh, xăng dầu, cơ khí, đóng tầu, vật tư hải sản, thu mua chế biến hải sản… Quỳnh Lập có khoảng 500 lao động thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng từ dịch vụ nghề cá và có đội tầu 146 chiếc với trang thiết bị hiện đại, công suất bình quân gần 400CV.
Quỳnh Lập có đội tầu 146, công suất bình quân gần 400CV.
Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 của Quỳnh Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu phê duyệt từ 29/6/2012. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Con đường giao thông chính trong xã chưa được khởi công xây dựng lại, chưa có chợ thương mại, các phòng chức năng phục vụ giảng dạy trong các trường học còn thiếu, nhà văn hoá, khu thể thao không đạt, hư hỏng…
Ông Hồ Sỹ Hoàng, Bí thư xã Quỳnh Lập cho biết, việc huy động nguồn lực từ người dân đóng góp cho xây dựng nông thôn mới rất khó khăn, người dân chỉ có thể đóng góp được một phần hạn chế (để xây dựng tuyến đường trục chính vào xã, mỗi hộ dân đã phải đóng góp 4 triệu đồng). Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với Quỳnh Lập hiện nay là thiếu quỹ đất để thực hiện quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn, kinh tế, xã hội…
Nếu như ở nhiều địa phương khác, đất 5% (quỹ đất cho xây dựng các công trình phúc lợi địa phương) đã được quy hoạch, thì ở Quỳnh Lập không được quy hoạch, vì khi thực hiện Nghị định 64 ngày 27/9/1993 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, thì đất 5% của Quỳnh Lập được gửi vào gần 100 hộ dân, mỗi hộ vài chục mét, hoặc vài trăm mét. Do đó, đến thời điểm hiện nay, khi phải thực hiện quy hoạch mặt bằng cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới như: chợ thương mại, trường học… thì Quỳnh Lập lại không có quỹ đất để thực hiện.
Để giải quyết bài toán này, Quỳnh Lập được phép thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng cho nông thôn. Tuy nhiên, nguồn tiền ở đâu để bồi thường cho người dân lại là bài toán khó nữa đặt ra, bởi riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho xây dựng một trường học đã mất khoảng 2,5 tỷ đồng.
Huy động nguồn lực từ người dân và xã hội
Ông Hồ Sỹ Hoàng cho biết, để có nguồn tiền bồi thường cho người dân khi thực hiện thu hồi đất nông nghiệp cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển nông thôn Quỳnh Lập đã được phê duyệt, phương án mà Quỳnh Lập đang thực hiện là bán đấu giá 66 lô đất cho người dân địa phương.
Sau khi bán đấu giá đất xong, Quỳnh Lập sẽ có khoảng 40% tổng số tiền thu hồi được để đền bù cho người dân và đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng (60% nguồn tiền còn lại phải trả về cho Thị xã Hoàng Mai).
Đồng thời, Quỳnh Lập sẽ đề xuất Hội đồng nhân dân phê chuẩn kế hoạch thu từ nhân dân trong 2 năm (dự kiến 3 triệu/hộ, hoặc 350.000 đồng/khẩu), mời các doanh nghiệp, các nhà tài trợ có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện quy hoạch phát triển nông thôn, thực hiện quy hoạch và hình thành khu đất bán đấu giá cho dân. Hiện Quỳnh Lập đang hoàn thiện thủ tục để bán đấu giá đất.
Lý giải về thực trạng thực hiện quy hoạch tại Quỳnh Lập hiện nay, ông Lê Bá Vân, Chủ tịch xã Quỳnh Lập xác nhận, việc thiếu quỹ đất 5% gây không ít khó khăn cho địa phương trong thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
Trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai trước đây chủ yếu vận động người dân hiến đất trước, sau này khi bán đấu giá đất xong thì lấy tiền đó trả lại cho người dân. Nhưng tại xã Quỳnh Lập người dân chưa đồng thuận chủ trương này, yêu cầu xã phải trả tiền trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng.
Do đó, một mặt chúng tôi huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng. Mặt khác chúng tôi trực tiếp đứng ra cam kết với từng hộ dân, sau khi bán đấu giá đất xong sẽ hoàn thành nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, Quỳnh Lập phải tự thực hiện thủ tục bán đấu giá đất là việc chưa có tiền lệ đối với địa phương, việc làm hoàn toàn mới, gắn với nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cấp nên Quỳnh Lập gặp không ít khó khăn khi triển khai.
Kỳ vọng, sẽ có sự vào cuộc hợp tác và quan tâm sâu sát của nhân dân cũng như các cấp chính quyền địa phương để Quỳnh Lập sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2017.
Thanh Nga
Theo