Thứ hai 18/11/2024 00:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thị trường bất động sản thiết lập kỷ lục giá mới, nhà ở giá rẻ biến mất

14:38 | 20/07/2022

Thị trường bất động sản hiện tại đã thiết lập kỷ lục giá mới trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ gần như biến mất. Đồng thời, thị trường cũng đang có sự lệch pha giữa các phân khúc khi phân khúc nhà ở cao cấp thừa thãi còn phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ dưới 2 tỷ đồng/căn lại vắng bóng.

Nhà ở thương mại dưới 2 tỷ vắng bóng

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đưa ra một số cảnh báo liên quan đến việc giảm tốc, ít thanh khoản của thị trường.

Theo HoREA, tình trạng lệch pha cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở đang diễn ra phổ biến.

Đồng thời, thị trường cũng đang có sự lệch pha giữa các phân khúc. Cụ thể, phân khúc nhà ở cao cấp thừa thãi còn phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ dưới 2 tỷ đồng/căn lại vắng bóng.

Theo đó, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP HCM năm 2020 chỉ chiếm 1%; năm 2021 và hiện nay không còn nhà ở vừa túi tiền (0%); trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, còn lại 26% là nhà ở trung cấp. Thậm chí, TPHCM hiện nay đã có ngôi nhà liền thổ có giá 500 tỷ đồng, hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá trên 100 tỷ đồng.

thi truong bat dong san thiet lap ky luc gia moi nha o gia re bien mat
Thị trường bất động sản đã thiết lập kỷ lục giá mới, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ biến mất.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, hiện có dự án bất động sản tại TP Thủ Đức còn có mức giá trung bình dự kiến đến gần 700 tỷ đồng/ 1 căn biệt thự.

Theo HoREA, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. “Điều này, tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội – lao động thu nhập thấp tại các đô thị”, HoREA bày tỏ.

Ngoài ra, hiện có hàng nghìn căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (condotel) bị thu hồi giấy chứng nhận (sổ hồng) do công nhận "quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở" trái pháp luật, nay được cấp đổi, cấp lại "sổ hồng" nhưng có thể bị trừ đi thời hạn sử dụng đất kể từ ngày được cấp đổi, cấp lại "sổ hồng" gây bất an cho hàng nghìn khách hàng.

Mặt khác, hiện tính thanh khoản của thị trường đang suy giảm, các giao dịch bất động sản trầm lắng. Bởi khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở đang rất khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng; trong khi giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 79% trong quý II năm nay.

“Nắn” chứ không nên “siết” tín dụng bất động sản

Để góp phần giải quyết thực trạng vừa nêu, HoREA kiến nghị cần cố gắng thực hiện mục tiêu "đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất".

Đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Trong đó có quyền được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Ngoài ra, HoREA cho rằng, việc Nhà nước "siết" cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ "đứt gẫy" dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ "ngộp thở", nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm. Điều này sẽ góp phần khiến cho nền kinh tế bị suy thoái, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động, cũng như tác động tiêu cực đến việc an sinh xã hội.

thi truong bat dong san thiet lap ky luc gia moi nha o gia re bien mat
HoREA kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và "nắn" dòng vốn tín dụng chứ không nên "siết" tín dụng.

Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và "nắn" dòng vốn tín dụng chứ không nên "siết" tín dụng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản. Cụ thể, thay vì đến tháng 09/2023 thì nên kéo dài đến hết năm 2023 và các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn...

Theo Lộc Liên/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load