(Xây dựng) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ các quy định pháp lý, chính sách tài khóa, đến điều kiện thị trường, Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm giải pháp để đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, minh bạch và lành mạnh.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) tham luận. |
Sáng 16/11, Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì tổ chức Diễn đàn “Để thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển”. Tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, BĐS.
Phát biểu tại Diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cho biết, những ngày qua, nếu theo dõi tin tức trên các nền tảng truyền hình, phát thanh và nội dung số của Đài Hà Nội, VTV cũng như các phương tiện truyền thông khác sẽ cảm nhận rõ một làn gió mới và những biến chuyển mạnh mẽ ở thượng tầng qua các thông điệp quyết liệt mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra. Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là mục tiêu cao nhất, là cụm từ khoá lan toả mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Và để bước vào kỷ nguyên vươn mình đó, giải pháp mà người đứng đầu Đảng đưa ra là khơi thông và huy động mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội, của cả công và tư cho mục tiêu phát triển này, thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước chính là nguồn lực đất đai, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả thông qua việc phát triển một thị trường BĐS lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, tại Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước, chúng ta vẫn nhìn thấy hàng nghìn khu đô thị “ma” cùng những căn biệt thự không người ở. Ở thời điểm này, khi giá nhà đất ở Hà Nội bị thổi lên và hình thành mặt bằng giá cao chưa từng có thì những khu đất bỏ hoang, những khu đô thị ma đó quả thực là sự lãng phí vô cùng lớn và gây phản cảm và bức xúc cho dư luận.
Tham dự Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống.
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2024 đã đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thứ hai, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các phương thức tiếp cận đất đai đối với các dự án rất đa dạng, linh hoạt phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai. Đề cao nguyên tắc thị trường, dựa trên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Thứ ba, cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 để thể chế tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về “thương mại hóa quyền sử dụng đất”.
Thứ tư, Luật Đất đai 2024 cũng đã xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương - tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác.
Thứ năm là Luật Đất đai đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chính quyền địa phương - góp phần chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Toàn cảnh Diễn đàn BĐS do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức. |
Tại Diễn đàn, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã nêu về vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường BĐS lành mạnh, minh bạch. Ông Vương Duy Dũng cho rằng, thị trường BĐS liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác nhau trên thị trường, điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan, địa phương, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp.
Thời gian qua, việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật luôn được quan tâm, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện: Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/2023; Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết 1435 thành lập Tổ công tác tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là 3 luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới.
Trong đó, đặc biệt là phải đảm bảo công tác lập chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng đảm bảo cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội... Điều này tạo chuyển biến tích cực trên thị trường: Nguồn cung nhà ở tăng; Gần 200 kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp được giải quyết; 79 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành.
Kết quả trên đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Thị trường BĐS là thị trường khác với các sản phẩm khác bởi có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đơn cử như để phát triển 1 dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.
Với phần tham luận của TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: Cơ hội và thách thức của thị trường BĐS, ông cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2024 có nhiều cơ hội - thuận lợi như: Vấn đề nhà ở được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; Kinh tế vi mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; Các Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Đất Đai 2024 được thông qua có hiệu lực góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn không ít. Trong đó lớn nhất với thị trường và cả doanh nghiệp là những “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút.
Ngoài ra, một số nội dung pháp lý tại Luật mới rất cần làm rõ. Trong đó, có tác động của việc xây dựng bảng giá đất mới sao cho phản ánh đúng giá trị thực, tránh tình trạng giá ảo, để tính toán thuế đất, chi phí đầu tư và giá bán BĐS… Cần phân tích, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn; Vấn đề quỹ đầu tư BĐS và kêu gọi cộng đồng tham gia đầu tư; Vấn đề pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, bền vững trong nguồn vốn cho dự án BĐS.
Vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch BĐS thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng hay vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh BĐS cần điều chỉnh quy trình đơn giản cùng với sự kết hợp chặt chẽ, nhất quán giữa các cơ quan trong hệ thống quản lý Nhà nước.
Kiến Tài
Theo