Ga tàu điện ngầm đầu tiên của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã thành hình sau hơn 1 tháng thi công với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có 8,5 km cầu cạn trên cao và 4 km đi ngầm bắt đầu từ nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đến cửa Ga Hà Nội. Đây là công trình tàu điện ngầm đầu tiên được thi công tại thủ đô và là công trình thứ 2 trên cả nước (sau metro Bến Thành - Suối Tiên).
Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội vẫn duy trì 100% công nhân trên công trường, thi công suốt ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Kết quả, tại ga ngầm S9 (đường Kim Mã), phần hộp ga ngầm đã thành hình sau hơn 1 tháng đào đất.
Các công nhân lên xuống ga ngầm thông qua một hệ thống vận thăng có cần cẩu điều khiển. Mọi người trước khi vào công trường đều phải đo thân nhiệt và phải có khẩu trang, đồ dùng bảo hộ.
Kết cấu mỗi nhà ga sẽ có 3 tầng, gồm tầng đỉnh (lộ thiên), tầng ngầm đầu tiên (nơi trung chuyển hành khách) và tầng đáy (ke ga và đường ray). Trong ảnh là tầng ngầm đầu tiên của ga S9 với diện tích 4.000 m2, sâu 6 m.
Hơn 1 tháng qua, hàng chục công nhân và máy móc đã làm việc liên tục ngày đêm, đào và vận chuyển gần 30.000 m3 đất đá để tạo hình tầng ngầm đầu tiên.
Metro Nhổn - Ga Hà Nội được áp dụng công nghệ top-down (đào từ trên xuống dưới) trong thi công các ga ngầm. Theo công nghệ này, hệ thống trần và tường vây của công trình ngầm sẽ được xây bê tông cốt thép trước, sau đó đào móc lớp đất ở giữa để tạo ra không gian ngầm.
Hiện có 3 nhà thầu đang làm việc trên công trường gồm thầu làm cốt thép, thầu đào đất và thầu sửa chữa tường vây.
Hệ thống thông gió được lắp dọc trần ga để hút khí thải CO2 từ máy móc và đảm bảo dưỡng khí cho công nhân làm việc.
Sau khi hoàn thiện kết cấu các ga ngầm, robot khoan hầm với đường kính 6 m sẽ được chuyển đến công trường để khoan đường ngầm nối thông các nhà ga.
Trong bối cảnh nhiều hoạt động tập trung đông người phải tạm dừng vì cách ly toàn xã hội, Chính phủ đã ra chỉ thị cho phép các dự án giao thông được tiếp tục duy trì công nhân trên công trường để đảm bảo tiến độ xây dựng. Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch Covid-19 cho đội ngũ công nhân.
Mọi người từ công nhân đến giám đốc dự án đều phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào công trường.
Trước khi rời khỏi công trường, mọi người đều phải đi qua buồng phun khử trùng.
Khởi công tháng 9/2010, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đặt mốc hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng phải lùi tiến độ vì thiếu vốn. Đoạn đường trên cao đã chốt được thời gian vận hành chính thức vào tháng 4/2021, đoạn đi ngầm sẽ vận hành vào cuối năm 2022.
Theo Ngọc Tân/Zing.vn