Thứ sáu 22/11/2024 22:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?

11:57 | 09/04/2023

(Xây dựng) - Rác thải điện tử hiện đang là một mối nguy hại toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đe dọa tính mạng con người. Do đó, việc thực hiện các hành động kịp thời, tăng cường nhận thức của cộng đồng, nhân rộng mô hình thu gom, xử lý để giảm thiểu gánh nặng từ xả thải điện tử là rất cần thiết.

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?
Rác thải điện tử ở điểm thu gom UBND phường Quán Thánh.

Còn nhiều bất cập

Theo dự báo, với tốc độ tăng chóng mặt như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới. Đây thực sự là mối nguy hại toàn cầu, gây hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường sống, sức khỏe và tính mạng con người. Không nằm ngoài ngoại lệ đó, Việt Nam cũng đang là nước có lượng rác thải điện tử tương đối cao trong khu vực và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo.

Thời gian qua, nước ta đã có nhiều chủ trương trong việc ngăn chặn và giảm thiểu rác thải điện tử. Nhiều văn bản, chính sách đã ra đời nhằm siết chặt công tác thu gom, xử lý rác thải điện tử; các cuộc tuyên truyền, vận động người dân trên các phương tiện đều đã được triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố. Các tổ chức, chương trình hành động vì môi trường cũng được khởi xướng để góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải điện tử. Mặc dù vậy, công tác thu gom rác thải điện tử hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề.

Cụ thể tại Hà Nội, địa phương đã có 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí, đó là Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy); Ban Quản lý công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm); UBND phường Quán Thánh (12-14 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình); UBND phường Thành Công (quận Ba Đình); Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Tuy nhiên, theo quan sát, lượng người dân tới những điểm thu gom này không nhiều như kỳ vọng. Số lượng đồ phế thải điện tử mà người dân trong khu vực mang tới còn quá ít. Thậm chí, nhiều người sống gần các địa điểm trên không hề biết đến điểm thu gom rác thải điện tử.

Chị Phạm Hồng Vân (quận Đống Đa) lắc đầu khi được hỏi về các điểm thu gom rác thải điện tử: “Tôi không biết đến những địa điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí này. Khi tôi có rác thải điện tử như điện thoại hỏng hay tai nghe hỏng, thường là tôi bỏ chung với rác thải sinh hoạt luôn”.

Bên cạnh đó, nhiều người dân quan tâm đến bảo vệ môi trường, phân loại rác thải cho rằng, số lượng điểm thu gom tại Hà Nội vẫn còn hạn chế, cần nhân rộng hơn nữa các điểm thu gom. Nhiều người ở quá xa những điểm thu gom trên, khó vận chuyển rác thải điện tử lớn.

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?
Điểm thu gom rác thải điện tử ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân.

Chị Đỗ Mai Chi (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi có biết đến những điểm thu gom, nhưng nhà tôi ở xa quá, mà đồ điện tử như ti vi thì thường rất to, tôi cũng không biết đem đi như thế nào. Do vậy nên tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều điểm thu gom có vị trí thuận lợi hơn, ví dụ như mỗi quận có một cái chẳng hạn để người dân ra đó dễ dàng”.

Không chỉ trong thành phố lớn, các khu dân cư, khu vực các khu đô thị cũng là nơi có lượng rác điện tử thải ra lớn. Theo ghi nhận, tại một số khu đô thị lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội như khu đô thị Ngoại giao đoàn, khu đô thị Times City... rác thải điện tử được thải ra gần như mỗi ngày, thường là được để lẫn với rác thải sinh hoạt. Các hộ gia đình dường như ít quan tâm đến việc vứt rác thải điện tử riêng biệt. Một số gia đình thì giữ lại bán cho người thu gom đồ đồng nát hoặc chờ gặp và đưa công nhân môi trường thu dọn rác cuối ngày.

Chị Nguyễn Thu Phương (quận Hai Bà Trưng) sống ở khu đô thị Times City chia sẻ: “Tôi thấy rác thải điện tử ở Việt Nam phân loại chưa tốt, mọi người cũng không quan tâm. Cũng chẳng biết ở đâu mà vứt cả, chỉ khi nào tiện thì vứt thôi”.

Thực tế tại nhiều khu đô thị, Ban quản lý các tòa chung cư đã có đặt thùng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế. Thế nhưng, người dân hầu như vẫn chưa quen thuộc với việc phân loại rác thải, đa phần là tiện đâu thì vứt đấy. Công tác tuyên truyền phân loại rác cho người dân lại chưa được bên quản lý quan tâm thực hiện triệt để.

Chị Trần Minh Trang (quận Cầu Giấy) cho biết: “Mặc dù hiện đang có phân loại rác thải nhưng do thói quen sinh hoạt từ trước tới giờ nên mọi người cứ cho chung vào một túi rồi vứt vào thùng thôi chứ cũng không có phân loại. Việc này diễn ra thường xuyên nhưng Ban quản lý chưa có biện pháp gì để nhắc nhở nên mọi người vẫn cứ thế mà làm”.

Chủ động thu gom rác thải có hiệu quả

Thời gian qua, tổ chức Việt Nam tái chế - một chương trình thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng đã không ngừng tuyên truyền về 5 điểm thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội tới người dân. Đồng thời, tổ chức này luôn có những tình nguyện viên tới những điểm thu gom để lấy rác thải điện tử của người dân để xử lý.

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?
Tình nguyện viên của Việt Nam tái chế khi thu gom rác thải điện tử.

Anh Trịnh Xuân Nam, Tình nguyện viên của tổ chức Việt Nam tái chế cho biết: “Tất cả các thiết bị đã qua sử dụng được thu hồi qua chương trình Việt Nam tái chế sẽ được xử lý an toàn nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo quy trình xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn theo quy định môi trường. Hiện nay, Việt Nam tái chế còn nhận thu gom rác thải điện tử trực tiếp từ các hộ gia đình, các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện thu gom, hoặc người dân địa phương có thể mang rác thải điện tử đến các điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí để được phân loại và xử lý”.

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?
Tất cả các thiết bị đã qua sử dụng được thu hồi qua chương trình Việt Nam tái chế sẽ được xử lý an toàn.

Song song với công tác thu gom rác thải điện tử, tổ chức Việt Nam tái chế cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng, khuyến khích người dân nâng cao ý thức thu gom và xử lý rác thải điện tử. Các hoạt động này đều được người dân hưởng ứng tích cực trong suốt thời gian qua.

Bà Miriam Lassernig, Phát ngôn viên của tổ chức Việt Nam tái chế cho biết, đơn vị cũng đã kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một số trường đại học để phát động chương trình thu gom tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, trên trang Facebook của Việt Nam tái chế cũng thường xuyên đem đến những thông tin hữu ích về rác thải điện tử, đặc biệt là các điểm thu gom rác thải điện tử trên toàn quốc.

Chị Hoàng Thị Thúy (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: “Tổ chức Việt Nam tái chế rất tốt. Tôi nghĩ là nếu để cho những tổ chức này phát triển thì người dân sẽ ý thức được hơn, ví dụ như là đặt nhiều điểm thu gom hơn, phát tờ rơi phổ biến nhiều đến nhiều khu vực mà người dân sinh sống. Vì nhiều gia đình, nếu có đồ điện tử hỏng thì người ta cũng không biết nơi nào để mà mang đến cả”.

Theo các chuyên gia về môi trường, hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với Việt Nam tái chế để triển khai thêm nhiều giải pháp thu gom, xử lý rác thải điện tử hiệu quả hơn. Riêng đối với khu vực khu đô thị, cần bố trí thêm các điểm thu gom rác thải điện tử nằm tại những vị trí dễ tiếp cận, dễ nhìn thấy. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các điểm này, có sự hướng dẫn chi tiết về tác hại của rác thải điện tử, vai trò quan trọng của việc thu gom, xử lý cũng như giúp người dân tích cực tham gia phân loại rác thải từ nguồn, tránh vứt chung rác điện tử với rác sinh hoạt.

Bên cạnh hoạt động của các tổ chức, chính người dân cũng phải tự mình nâng cao trách nhiệm với việc xử lý rác thải điện tử trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, mỗi cá nhân cần không ngừng tham gia vận động tuyên truyền về tác hại của rác thải điện tử; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về hạn chế rác thải điện tử với những người xung quanh; lan toả những giá trị tích cực về hành trình giảm thiểu rác thải điện tử của cộng đồng; chủ động kiểm tra tuổi thọ sản phẩm; tái sử dụng sản phẩm; giáo dục bản thân, tái chế, hạn chế thiết bị điện tử, giáo dục con em mình về rác thải điện tử.

Thấy gì từ việc thu gom rác thải điện tử ở Hà Nội?
Một số cách có thể thực hiện để góp phần ngăn chặn rác thải điện tử.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần phải có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác thu gom, xử lý rác thải điện tử; chú trọng giảm thiểu và ngăn chặn rác thải điện tử hiệu quả trong cộng đồng; tìm kiếm những giải pháp xây dựng mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn; quan tâm đến hoạt động của các cơ sở tái chế rác thải; đồng hành cùng người dân trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Phan Cao Khánh Huyền
Sinh viên thực tập

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load