Có một điều mà người dân chưa kịp mừng về chuyện tăng lương thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn cứ “đội lên”.
Mặc dù vậy, nhận định chung vẫn cho rằng, vẫn còn những yếu tố bất lợi về giá rình rập. Trước hết, giá cả giáp Tết Nguyên đán năm nay sẽ có những biến động lớn hơn mọi năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu mua sắm cuối năm tăng vọt, một phần khác là do sự biến động về giá trên thị trường thế giới, tăng lương, đầu cơ cùng dịch bệnh cúm gà tái hoành hành.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia còn lo ngại rằng, rất nhiều yếu tố bất lợi về giá vẫn rình rập thị trường. Thị trường trong nước khó có thể giảm giá. Trước hết do chủ trương giảm bù lỗ năng lượng, giá điện vừa được Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã trình phương án tăng giá bán than dự kiến khoảng 20%. Đây là tín hiệu tốt trong việc hoàn thiện thể chế thị trường nhưng cũng là sự khởi đầu cho cú sốc tăng giá.
Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2008 sẽ hình thành mặt bằng giá cao hơn từ việc tăng giá điện. Việc tăng giá đầu vào của doanh nghiệp, cùng việc tổng cộng hàng trăm ngàn phép cộng trừ bù chéo, biến dạng và đầu cơ sẽ tạo ra vòng xoáy đội giá mặt bằng chung lên cao hơn tổng mức tăng giá ban đầu.
Đặc biệt, theo giới quan sát, xu hướng giá vàng tiếp tục tăng trên thị trường thế giới sẽ có tác động làm tăng giá vàng trong nước. Biên độ giá vàng trong nước năm 2007 đã tăng mức kỷ lục trên 16,5 triệu đồng/chỉ, rồi xuống 15,5 triệu đồng/chỉ. Và ngay trong tuần đầu của năm 2008 giá vàng lại liên tục tăng, vượt ngưỡng 17 triệu đồng/chỉ. Mãi lực vàng tăng vọt do tâm lý đang thực sự khiến nhiều chuyên gia kinh tế bận tâm. Thêm nữa, khi mà thị trường chứng khoán vẫn đang thời kỳ ảm đạm thì hướng tích trữ vàng đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Được nhận định là nhu cầu thị trường vàng sẽ tăng do mua sắm vào cuối năm, nhưng những diễn biến vừa qua cho thấy xu hướng đầu tư vào vàng đang ở mức thái quá. Cộng thêm, có sự chênh khá lớn giữa mua và bán chứng tỏ giá vàng đang ở thời điểm sẽ biến động lớn và có đầu cơ.
Trong khi thị trường vàng biến động thất thường, thị trường chứng khoán đang đi xuống, thì thị trường BĐS lại nhộn nhịp. Một nguồn vốn không nhỏ từ thị trường chứng khoán đã được các nhà đầu tư rút ra để đầu tư cho lĩnh vực này. Cơn sốt chung cư tại TP.HCM dường như vẫn còn âm ỉ. Thêm một lần nữa, người dân TP này lại phải xếp hàng mua chung cư.
Nhìn nhận lại thị trường BĐS cả năm 2007 và tuần đầu của năm 2008, có thể nhận thấy thị trường này đang trở về quỹ đạo của nó. Trước hết, những giải pháp kích cầu thị trường BĐS mà Bộ Xây dựng đưa ra đã thực sự đem lại luồng sinh khí mới, làm “ấm lòng” các nhà đầu tư. Những dự báo lạc quan về một thị trường BĐS sôi động trong năm 2008 là điều được nhiều chuyên gia nhắc tới. Điều này dễ nhận thấy nếu nhìn lại thị trường BĐS những ngày đầu của năm 2007.
Nhiều DN kinh doanh BĐS đang bắt đầu một năm mới với khá nhiều thuận lợi. Trước hết là nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư. Thêm nữa là nhu cầu về nhà chung cư trong dân vẫn còn rất lớn. Các khu vực đấu giá đất cũng được thực hiện chóng vánh với kết quả cao ngất ngưởng, kịch trần. Ngay ở Hà Nội, một khu đất tại Mỹ Đình giá khởi điểm gần 20 triệu đồng/m2, nhưng kết quả đã đạt giá kịch trần trên 60 triệu đồng/m2.
Bên cạnh việc sôi động trở lại của thị trường BĐS, giới am hiểu thị trường cũng có thêm nhận định lạc quan rằng, thời gian tới đầu tư vào căn hộ cao cấp, cho thuê vẫn sẽ tiếp tục là thị trường sôi động, ít rủi ro.
Ngoài ra, dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp) và FPI (đầu tư gián tiếp) được dự báo trong năm 2008 sẽ tiếp tục gia tăng mạnh và tác động đáng kể đến thị trường trong nước. Với tính chất ngắn hạn, việc tăng đột biến dòng vốn này sẽ làm tăng áp lực mạnh lên giá cả trong nước. Dòng vốn FPI đổ vào trong nước cũng sẽ làm gia tăng đột biến các hoạt động mua bán, sáp nhập mở rộng quy mô và chuyển đổi sở hữu các DN, kể cả các ngân hàng của Việt Nam.
Thị trường chứng khoán đầu năm 2008 dù vẫn đang thời kỳ ảm đạm, song các chuyên gia kinh tế vẫn đưa ra những nhận định về sự sôi động trở lại trong năm của thị trường này. Dù chỉ số VN-Index vẫn đang lao xuống dưới 900 điểm. Nhưng những dấu hiệu khởi sắc vẫn tiếp tục được nhắc đến, nhất là sau khi “thỏi nam châm” Vietcombank đã được “giải”. Thêm nữa, bắt đầu tuần thứ hai của năm 2008, đồng đô la cũng đang dần lấy lại giá trị của mình trên thị trường; phần khác do nhiều cổ phiếu mới trong năm cũng sẽ lên sàn… vì thế, một thị trường chứng khoán minh bạch hơn, sôi động hơn trong năm 2008 là điều mà nhiều chuyên gia tiên liệu.
Cũng thời điểm này, thị trường VLXD đang ở mức cung cao. Nhu cầu hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch, gối đầu, nhu cầu sửa sang nhà cửa đã tạo mãi lực mạnh cho thị trường VLXD. Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng VLXD lượng hàng bán ra tăng khoảng 15 - 20%. Giá nhiều loại vật liệu thiết yếu như xi măng, sắt thép đã và đang có xu hướng tiếp tục tăng mạnh. Với sự tăng giá liên tục của nhiều mặt hàng thiết yếu như thời gian qua, nhận định chung đều cho rằng, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất VLXD sẽ phải đối mặt với bài toán tăng chi phí đầu vào.
Đánh giá chung về thị trường tháng 1/2008 và cả quý I/2008, Tổ Điều hành thị trường Chính phủ đã chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là điều khó tránh khỏi. Các mặt hàng tăng giá nhưng sức mua sẽ vẫn tăng do nhu cầu tiêu dùng mạnh vào cuối năm. Bởi thế, việc tăng giá sẽ không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Cộng thêm, kinh tế cuối năm tăng cao, thu nhập của người dân cũng tăng thêm, các nhu cầu cho sản xuất và đời sống cũng tăng vì thế việc tăng giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức mua hay có tác động xấu đến thị trường.